Ngày 2 và 5/8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam đã đánh thắng trong trận đầu ra quân, ghi thêm dấu ấn vào trang sử vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.

Vang mãi bản hùng ca Hải quân chiến thắng trận đầu - Bài 1: Ký ức người chỉ huy quả cảm  第1张 Với tinh thần cảnh giác và quyết tâm đánh thắng, trong trận đầu ra quân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân quy mô lớn của Mỹ ra miền Bắc, Hải đội 111, Vùng 1 Duyên hải của Hải quân nhân dân Việt Nam đã giáng cho không quân Mỹ những đòn nặng nề.

60 năm sau, Chiến thắng trận đầu không chỉ là biểu tượng của sức mạnh chính trị, tinh thần "Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng”, mà còn có ý nghĩa, giá trị to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bài 1: Ký ức người chỉ huy quả cảm
Ngày 2 và 5/8/1964, Hải quân Nhân dân Việt Nam trong thế trận chiến tranh nhân dân đã ra quân trận đầu đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta, tiêu diệt 8 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Nhớ lại trận đánh ngày ấy, đại tá Lê Chừng, nguyên thuyền trưởng, Chỉ huy tàu S225 săn ngầm đã hiệp đồng tác chiến cùng các tàu bạn đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi hải phận, vùng quản lý của ta, sau đó trực tiếp tham gia trận chiến đấu ngày 5/8/1964, bắn cháy 1 máy bay Mỹ ở vùng biển Cửa Lục, thị xã Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Đó là cuộc chiến được dự báo trước.
Vang mãi bản hùng ca Hải quân chiến thắng trận đầu - Bài 1: Ký ức người chỉ huy quả cảm  第2张
Đại tá Lê Chừng giới thiệu những bức ảnh kỷ niệm của mình và đồng đội trong thời gian công tác tại đơn vị. 
Trong phòng khách của ngôi nhà nằm ở thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội vào một ngày cuối tháng Bảy, đại tá Lê Chừng nói rằng: Những ngày cuối tháng Bảy đầu tháng 8/1964, đế quốc Mỹ có nhiều hành động khiêu khích, bắn phá ở miền Bắc nước ta. Ngày 2/8/1964, tàu khu trục Maddox đã xâm phạm vùng biển miền Bắc và bị lực lượng tàu phóng lôi của Hải quân ta đánh đuổi ra khỏi vùng biển của ta. Nhận định tình hình đế quốc Mỹ sẽ đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị ra chỉ thị cho tất cả các lực lượng cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu của không quân Mỹ.
Trong trí nhớ của đại tá Lê Chừng, ngày 5/8/1964, trời biển Cửa Lục rất nóng bức. Các tàu chiến ở cảng hải quân ta đều sẵn sàng chiến đấu ở trạng thái cao nhất. Tàu S225 do ông chỉ huy lúc đó đang làm nhiệm vụ trực ban tại quân cảng và đây là tàu săn ngầm thuộc loại hiện đại nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Trên tàu có 40 cán bộ, chiến sỹ hải quân với tuổi đời rất trẻ, phần lớn chỉ 19 - 20 tuổi và họ đều nhận thức rất rõ nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Khoảng 2 giờ chiều 5/8/1964, một tốp 8 máy bay địch bay vào là là mặt biển rồi nâng độ cao và phóng rốc-két về phía cảng hải quân ta. Cuộc tập kích của địch làm 3 tàu tuần tiễu của ta bị trúng đạn. Máy bay địch tiếp tục xuất hiện. Các loại hỏa lực của ta dưới tàu, trên bờ đồng loạt nổ súng đánh trả quyết liệt. Nhưng lúc này lực lượng máy bay địch rất lớn, hoả lực mạnh, tốc độ nhanh, còn ta chủ yếu bằng các khẩu pháo, súng trên tàu chiến và vũ khí bộ binh, nếu để tàu bị chìm trong quân cảng sẽ rất nguy hiểm.
Nhớ lại thời điểm quyết định cho tàu rời quân cảng ra ngoài để thu hút máy bay địch ra biển, ông Lê Chừng nói rằng, tàu S225 quyết định đánh địch theo cách "nhằm thẳng vào máy bay nào vào đánh mình thì bắn”. Để đánh địch có hiệu quả, ông Lê Chừng bình tĩnh tính toán, chọn địa điểm tác chiến có lợi cho ta, không có lợi cho địch; chọn máy bay địch đi vào hướng chiến đấu của mình để nổ súng và chọn đúng thời cơ mà bóp cò. "Lựa đúng thời cơ là rất quan trọng để bảo đảm vừa tiêu diệt được địch, vừa an toàn cho các lực lượng của ta”, đại tá Lê Chừng phân tích.
   Vang mãi bản hùng ca Hải quân chiến thắng trận đầu - Bài 1: Ký ức người chỉ huy quả cảm  第3张
Đại tá Lê Chừng và vợ xem lại những hình ảnh lưu niệm trong thời gian công tác tại đơn vị. 
"Tinh thần quả cảm của người chiến sỹ hải quân rất khác với các lực lượng khác. Nếu trên đất liền còn có chỗ để nấp, che chắn, tránh đạn thì khi chiến trường là biển cả, con tàu phơi mình ra không có chỗ tránh đạn. Do đó, những người chiến sỹ phải rất đoàn kết, một khối thống nhất, hiệp đồng chiến đấu, không rời vị trí để đảm bảo, giữ vững sức sống của con tàu để đánh địch”, vị đại tá nhấn mạnh.
Nói về trận chiến ác liệt trên biển ngày đó, hoả lực của ta đã bắn trúng hai máy bay Mỹ, một chiếc tan xác cùng giặc lái, chiếc còn lại bốc cháy buộc viên phi công nhảy dù xuống biển, đại tá Lê Chừng vẫn giữ bình thản "sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì Tổ quốc” của người chiến sỹ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nói rằng, hạnh phúc nhất của người chỉ huy là giữ được tàu, anh em không ai bị hao tổn về sinh lực, còn một số anh em bị thương là chuyện khó tránh khỏi.
"Riêng tôi nếu hôm đó không có tấm thép dày ở đài chỉ huy che chắn thì cũng đã hy sinh vì đạn địch quét lên tàu. Sau khi phát hiện vết đạn bắn lõm rất sâu vào tấm thép, tôi mỉm cười vì biết rằng hòn tên, mũi đạn nó tránh mình thôi. Nếu có hy sinh thì cũng bình thường, đã chiến đấu là phải có hy sinh. Mà hy sinh cho Tổ quốc, cho đất nước có gì phải suy nghĩ”, đại tá Lê Chừng bình thản nói.
Vang mãi bản hùng ca Hải quân chiến thắng trận đầu - Bài 1: Ký ức người chỉ huy quả cảm  第4张
Hải quân Việt Nam có đủ 5 thành phần lực lượng chiến đấu là: Tàu mặt nước; Tàu ngầm; Không quân Hải quân; Pháo binh - Tên lửa bờ; Hải quân đánh bộ - Đặc công Hải quân và các lực lượng phục vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự Hải quân. 
Nhắc đến tên từng "anh em trên tàu S225”, từng vị trí chiến đấu của họ cũng như những ký ức, kỷ niệm với từng người, đại tá Lê Chừng bồi hồi chia sẻ, trước kia dù chưa có lực lượng hải quân hùng mạnh nhưng ông cha ta đã làm nên những trang sử hào hùng Bạch Đằng Giang. Rồi 60 năm trước, dù chỉ là những tàu chiến bằng sắt, có pháo, có súng nhưng chưa hiện đại bằng kẻ thù mạnh gấp bội lần ta, song hải quân ta vẫn quả cảm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng được địch.
"60 năm sau kể từ ngày Chiến thắng trận đầu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh. Đảng, Nhà nước đã xây dựng Hải quân ta tiến lên hiện đại chứ không phải từng bước hiện đại. Hải quân ta đã có cả tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, có cả máy bay hải quân. Anh em cũng được học hành đầy đủ, có trình độ rồi. Vũ khí là quan trọng, song con người quan trọng hơn và chỉ có ý chí con người cùng ý chí chiến đấu là quan trọng nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đại tá Lê Chừng khẳng định.
Bài cuối: Vững chắc nền quốc phòng toàn dân trên biển
(Theo Báo Tin Tức)

Tags