WHO thông báo mở đợt sơ tán y tế lớn nhất tại Dải Gaza trong gần một năm, chuyển những bệnh nhân nặng đến UAE để chăm sóc đặc biệt.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay thông báo đã cùng các đối tác sơ tán 97 bệnh nhân ốm đau và bị thương nặng khỏi Dải Gaza, đưa họ tới thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để chăm sóc đặc biệt.

Các bệnh nhân, trong đó có 45 trẻ em, mắc nhiều căn bệnh như ung thư, chấn thương nghiêm trọng và nhiều thương tích khác. Những bệnh nhân này nằm trong hơn 10.000 người mà WHO ước tính cần được sơ tán y tế khẩn cấp khỏi Dải Gaza.

Nhóm bệnh nhân cùng 155 người đi kèm được tập trung từ 4 địa điểm khắp Dải Gaza đến một bệnh viện ở trung tâm khu vực, sau đó đi máy bay đến Abu Dhabi.

WHO tiến hành đợt sơ tán y tế lớn nhất tại Dải Gaza  第1张

Thi thể người thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào ngôi nhà ở Gaza City được chuyển đến bệnh viện ngày 12/9. Ảnh: AFP

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi đây là "chiến dịch đã thành công", mô tả đây là hoạt động cực kỳ phức tạp", diễn ra trong tình trạng mất an ninh và đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

WHO cho biết giải cứu những người ở khu vực phía bắc Gaza đặc biệt phức tạp vì nơi này khó tiếp cận. "Chúng tôi chỉ có khoảng thời gian rất hạn hẹp", người phát ngôn WHO Rik Peeperkorn giải thích.

Theo cơ quan y tế Gaza, gần 41.200 người đã thiệt mạng và hơn 95.000 người bị thương ở dải đất sau khi Israel phát động chiến dịch tấn công từ tháng 10/2023 để trả đũa Hamas.

Tính đến ngày 23/7, ít nhất 25% số người bị thương trong cuộc xung đột, tương đương 22.500 người, đã phải chịu "những vết thương thay đổi cuộc đời". Không ít người bị cắt cụt chi và phải trải qua quá trình phục hồi chức năng dai dẳng nhiều năm.

WHO lưu ý "hàng nghìn phụ nữ và trẻ em" nằm trong số người bị thương nặng và không ít nạn nhân bị thương nhiều hơn một lần.

Báo cáo từ WHO ước tính 13.455-17.550 người bị "chấn thương chi nghiêm trọng". Trong số các chấn thương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống còn có chấn thương tủy sống, sọ não và bỏng nặng. "Nhu cầu phục hồi chức năng tăng đột biến diễn ra song song với tình trạng suy thoái liên tục của hệ thống y tế", Peeperkorn cảnh báo.

Chỉ 17 trong 36 bệnh viện ở Dải Gaza còn hoạt động và bị giới hạn đáng kể năng lực vận hành, trong khi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản thường xuyên bị gián đoạn hoặc nằm ngoài khả năng tiếp cận do mất an ninh, giao tranh hay lệnh sơ tán liên tục.

Trung tâm phục hồi chức năng và tái tạo chi duy nhất của Dải Gaza, nằm tại khu phức hợp y tế Nasser và được WHO hỗ trợ, đã ngừng hoạt động hồi tháng 12/2023 do thiếu vật tư và nhân viên y tế chuyên khoa.

Vũ Hoàng (Theo AFP)