Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:

Xe con và xe tải bị húc văng vì tình huống dừng đột ngột giữa đường cao tốc

(Dân trí) - Sự việc xảy ra vào ngày 5/3 trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn qua địa phận huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, chiếc xe con màu đỏ đã dừng đột ngột ở làn ngoài cùng bên trái, khiến xe tải nhỏ phía sau không phanh kịp, đâm vào đuôi xe này. Tiếp đó, xe có camera hành trình dù chỉ chạy với tốc độ gần 50km/h ở làn đường cho phép xe chạy tới 90km/h nhưng vẫn không phanh kịp để tránh.

Vụ va chạm xảy ra ở ngay trước lối ra thị trấn Lim (Bắc Ninh), nên lý do chiếc xe con màu đỏ dừng đột ngột được cho là do tài xế sợ lỡ lối ra.

Xe con và xe tải bị húc văng vì lỗi dừng đột ngột giữa đường cao tốc (Video: Giao thông văn minh).

"Đây chính là tình huống điển hình minh chứng cho việc khi một tài xế cố gắng giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước nhưng lại có xe khác chen ngay vào giữa, vậy là không còn khoảng cách an toàn", tài khoản mạng xã hội Trần Long bình luận sau khi xem clip.

"Có quá nhiều kinh nghiệm rút ra từ tình huống này. Một là việc dừng đột ngột trên đường cao tốc, lại còn là làn ngoài cùng bên trái vốn dành cho xe chạy tốc độ cao, xe cần vượt lên trước. Hai là việc giữ khoảng cách an toàn. Ba là "vấn nạn" xe đi chậm bám làn trái gây cản trở giao thông", tài khoản Minh Quang bình luận.

"Tốc độ chưa đến 60km/h; khoảng cách với xe phía trước cũng khá xa, không phải quá gần; xe trước có rà phanh, nhưng khả năng cao là tài xế xe có "cam" không tập trung nên không quan sát được tình huống để chủ động rà phanh giảm tốc sớm", tài khoản Đức Tuấn nêu ý kiến.

Quy định pháp luật về khoảng cách an toàn

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT đã quy định rõ ràng và chi tiết về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe.

Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện cùng tham gia giao thông cụ thể như sau (trong điều kiện đường sá khô ráo):

Xe con và xe tải bị húc văng vì tình huống dừng đột ngột giữa đường cao tốc  第1张

Trên một số đường cao tốc có sẵn các tấm biển ghi 0m, 50m, 100m hoặc 70m, 140m… chính là để giúp tài xế căn khoảng cách với xe phía trước dễ hơn.

Trong trường hợp không có biển báo, tài xế có thể áp dụng quy tắc 3 giây để tính khoảng cách an toàn khi lái xe trên đường cao tốc.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường, 3 giây là khoảng thời gian đủ để tài xế kịp phản ứng trước các sự cố như phía trước có xe bị hư hỏng, gặp chướng ngại vật trên đường… 

Để xác định cự ly "3 giây", bạn hãy tìm một vật cố định bên đường để làm "cột mốc"; đó có thể là biển báo giao thông, cột đèn hay cây cối… Khi xe ngay trước bạn vượt qua "cột mốc", bạn hãy đếm 1... 2... 3… theo nhịp đúng 3 giây.

Sau khi đếm xong, nếu xe của bạn tới đúng "cột mốc" thì tức là khoảng cách với xe phía trước đủ an toàn. Ngược lại, nếu bạn chưa đếm hết 3 giây mà đã tới "cột mốc", thì cần đi chậm lại để nới rộng cự ly, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Quy tắc 3 giây được áp dụng trong điều kiện thời tiết tốt, trời khô ráo, tầm nhìn thoáng... Trong điều kiện trời mưa, tầm nhìn bị hạn chế thì phải tăng lên thành 6 giây, tức giữ khoảng cách với xe phía trước gấp đôi so với thông thường. 

Ngoài việc chú ý giữ khoảng cách an toàn, khi lái xe nói chung và lái xe trên đường cao tốc nói riêng, bạn còn cần luôn tập trung chú ý quan sát để có thể kịp thời xử lý tình huống bất ngờ.

Độc giả Dân trí cùng chung tay vì giao thông an toàn

Với mục tiêu xây dựng môi trường giao thông an toàn và thuận lợi hơn, báo Dân trí mở diễn đàn: "Độc giả Dân trí cùng chung tay vì giao thông an toàn", mong muốn kêu gọi sự đóng góp và phản ánh thông tin từ độc giả.

Độc giả có thể gửi phản ánh của mình thông qua email: [email protected], qua số điện thoại đường dây nóng: 0973-567-567. Thông tin gửi về sẽ được tiếp nhận và xử lý một cách nhanh chóng.

Khi phản ánh tới đường dây nóng cần có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện, hành vi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự an toàn giao thông.