Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự đoàn kết, chủ nghĩa đa phương và xây dựng lòng tin là nền tảng để giải quyết các thách thức toàn cầu tại buổi làm việc giữa các nhà lãnh đạo về Đồng thuận Paris vì con người và hành tinh.
Trưa ngày 25/9 giờ địa phương (sáng 26/9 giờ Việt Nam), thừa ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự buổi làm việc giữa các nhà lãnh đạo về Đồng thuận Paris vì con người và hành tinh (Đồng thuận 4P).
Buổi làm việc do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Đặc Phái viên sáng kiến Đồng thuận 4P nguyên Tổng thống Senegal Macky Sall chủ trì.
Đồng thuận 4P là sáng kiến được Pháp và Tổng thống Macron thúc đẩy tại Hội nghị thượng đỉnh về hiệp ước tài chính toàn cầu mới (tháng 6/2023). Bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên của 4P hiện nay gồm: Tăng cường tính bền vững nợ; Huy động tài chính tư nhân; Thúc đẩy tài chính sáng tạo; Kiến tạo các chuyển đổi. Đến nay, Đồng thuận 4P nhận được sự ủng hộ của 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tổng thống Pháp và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNGCác lãnh đạo nhấn mạnh sự đoàn kết, chủ nghĩa đa phương và xây dựng lòng tin là nền tảng để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Các đại biểu tái khẳng định tính cấp thiết của việc nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trong cấu trúc quản trị toàn cầu và các định chế kinh tế tài chính quốc tế; kêu gọi thúc đẩy giải pháp, phương thức mới nhằm giải quyết gánh nặng nợ của các nước đang phát triển.
Một số lãnh đạo khẳng định cam kết tăng cường nguồn vốn, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay, đa dạng hóa nguồn lực tài chính ưu đãi cho các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương, đặc biệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chuyển lời cảm ơn chân thành của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về lời mời tham dự buổi làm việc về Đồng thuận 4P. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn sớm gặp Tổng thống để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác, hướng tới một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Pháp, góp phần đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của hai nước, cũng như toàn thế giới.
Cũng trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi với Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Kenya William Ruto, Tổng Giám đốc IMF Georgieva Kristalina.
Trong khi đó, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cùng ông Olivier Poivre d'Arvor, Đặc phái viên của Tổng thống Pháp, Đại sứ về các vấn đề Biển và vấn đề vùng Cực đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề về “Tăng cường thích ứng, tài chính và khả năng chống chịu trước các thách thức liên quan đến nước biển dâng”.
Phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về “Giải quyết các thách thức tồn vong do tình trạng nước biển dâng”.
Hội nghị thu hút sự tham gia của lãnh đạo và đại diện nhiều quốc gia, nhất là các nước đảo nhỏ, các nước chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại thảo luận. Ảnh: BNGTrong thảo luận, các đại biểu đều thống nhất nhận định nước biển dâng là một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia, nhất là các nước đảo nhỏ; cũng như đang đặt ra nhiều thách thức mới về pháp lý cũng như về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trên cương vị đồng chủ trì phiên thảo luận, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã chia sẻ về những hậu quả nghiêm trọng của cơn bão Yagi vừa qua đối với Việt Nam, cũng như những nguy cơ nước biển dâng đối với khu vực ĐBSCL.
Các quốc gia cần xây dựng chiến lược toàn diện, lâu dài, với những giải pháp mang tính nền tảng, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để bảo vệ cộng đồng ven biển. Cần có các biện pháp sáng tạo để ứng phó trong tình huống khẩn cấp; nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng địa phương, trong đó có việc kiến tạo chiến lược chuyển đổi sinh kế, phương thức canh tác, nuôi trồng thuỷ hải sản theo hướng bền vững, gắn liền và hài hòa với thiên nhiên.
Đăng thảo luận