iMoney: 10 bước cơ bản để mở quán cà phê thành công, kiếm bộn tiền

(Dân trí) - Để mở một quán cà phê thành công, ý tưởng sáng tạo hay đam mê là chưa đủ. Chuyên gia trong ngành tiết lộ có 10 bước để thành công với nghề này.

Từ thứ thức uống chỉ dành cho giới quý tộc, tầng lớp trí thức phương Tây, cà phê đã trở thành loại đồ uống phổ biến trong xã hội. Vài năm gần đây, tại Việt Nam, mở quán cà phê thương hiệu riêng hoặc kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu lớn trở lên tương đối phổ biến. Thế nhưng không phải ai mở quán cà phê cũng thành công dù rất đam mê cũng như có vốn đầu tư.

Dưới đây là chia sẻ của bà Đỗ Thị Thủy, nhà sáng lập Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Ho.Re.Ca Việt Nam, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp kinh doanh đồ uống, về 10 bước cơ bản cần chuẩn bị nếu muốn mở một quán cà phê thành công.

1. Nghiên cứu thị trường và khách hàng

Đa phần những người muốn mở quán cà phê do họ yêu thích, đam mê với việc này. Song một trong những lỗi phổ biến là họ mở chỉ vì thích mà không đi từ thị trường, khách hàng. Nếu như ý tưởng và thị trường trùng khớp với nhau thì bạn thật may mắn vì khả năng thành công có thể có. Nhưng nếu ngược lại thì đó lại có thể là một trong những lý do khiến cho việc mở quán cà phê thất bại. 

"Khách hàng là người trả tiền, là người quyết định sự tồn tại của quán, do đó phải bắt đầu từ khách hàng, thị trường chứ không bắt đầu từ bên trong bản thân mình", bà Thủy chia sẻ.

Chuyên gia này cho biết việc đầu tiên cần làm khi bạn có ý định mở quán cà phê là tìm hiểu kỹ về thị trường, những đối thủ xung quanh, xu hướng hiện tại, phác họa chân dung khách hàng. Bạn phải đặt câu hỏi khách hàng của mình là ai, họ mong gì, họ thích gì, khả năng chi trả của họ ra sao...

2. Xác định mô hình

Sau khi đã nghiên cứu về thị trường cũng như khách hàng mục tiêu, bước tiếp theo bạn cần làm là xác định sẽ xây dựng mô hình quán cà phê nào. Hiện có rất nhiều cách phân loại. Cách đơn giản và dễ hình dung nhất là mô hình tập trung vào sản phẩm và mô hình tập trung vào trải nghiệm.

Những mô hình tập trung vào trải nghiệm khách hàng sẽ đòi hỏi vốn đầu tư cũng như năng lực tài chính lớn hơn. 

3. Lập dự toán

Đây là bước thứ 3 sau khi bạn đã xác định được khách hàng cũng như mô hình kinh doanh mà mình theo đuổi. Trong bước này, bạn cần liệt kê tất cả chi phí từ vốn đầu tư, chi phí cố định, chi phí biến đổi để lập ra một bản dự toán. Bản dự toán này sẽ giúp bạn xác định được điểm hòa vốn, mục tiêu doanh thu của quán để đạt được điểm hòa vốn này.

Việc lập dự toán giúp bạn xem xét về tính khả thi dự án trên việc ước lượng thực tế. Dự toán cũng giúp kiểm soát việc đội chi phí đầu tư khi thực hiện trên thực tế.

iMoney: 10 bước cơ bản để mở quán cà phê thành công, kiếm bộn tiền  第1张

Muốn mở quán cà phê thành công bạn cần hiểu về thị trường, khách hàng, lên dự toán phù hợp cho tới quản trị nhân sự tốt (Ảnh: Unsplash)

4. Tìm mặt bằng

Từ việc tính toán ra doanh thu để đạt được điểm hòa vốn, bạn sẽ tìm những địa điểm phù hợp với nhóm khách hàng hướng tới. Nên chọn địa điểm có vị trí thuận lợi cho việc di chuyển của khách hàng. Nhờ dự toán ở trên, bạn sẽ biết nên mức chi phí phù hợp khi đi thuê mặt bằng.

5. Lên thực đơn 

Nhiều người khi mới có ý tưởng mở quán cà phê đã nghĩ ngay tới thực đơn đồ uống. Điều này là sai lầm vì lúc đó, ngoài ý tưởng ra thì bạn chưa biết gì về thị trường, khách hàng, dự toán... nên rủi ro là lớn. 

Ngoài cung cấp thông tin cho khách hàng, thực đơn còn giúp quảng cáo món mà quán muốn đẩy mạnh. Bí kíp ở đây là những món có lợi nhuận cao nên được hiển thị hình ảnh to, đẹp, hấp dẫn và đặt ở giữa hoặc trên cùng bên phải của bản menu. Ngoài ra, thực đơn cũng không nên quá nhiều, dàn trải nhóm đồ uống để dễ dàng hơn cho việc vận hành.

6. Chuẩn bị nguyên liệu và thiết bị

Nhiều người lần đầu mở quán thường đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu trước khi lên thực đơn. Điều này là không hợp lý. Chủ quán cần có một thực đơn, sau đó mới bóc tách từ công thức đồ uống để tính toán ra cần nguyên liệu, thiết bị cần thiết.

Việc bóc tách, quy đổi từ công thức cũng giúp cho chủ quán tính ra được giá vốn, từ đó đưa ra được mức giá bán phù hợp. Thông thường, giá vốn không nên vượt quá giá bán. Giá bán còn phải tính thêm chi phí hoạt động, mô hình kinh doanh, mặt bằng giá xung quanh.

Một bí kíp được chia sẻ là cần tối ưu về nguyên liệu, tận dụng những nguyên liệu có sẵn để tạo ra món mới, như thế sẽ tiết kiệm được chi phí và giảm được hàng tồn kho.

7. Nhân sự

Nhân sự là yếu tố rất quan trọng và chủ quán cần thực hiện 5 vấn đề gồm tuyển dụng, đào tạo, kiểm tra đánh giá, thưởng phạt, tạo sự gắn bó phát triển. Những công việc đều cần được văn bản hóa, hệ thống hóa rõ ràng để nhân viên hiểu và thực hiện. Để giữ được nhân sự, chủ quán cần quan tâm đến 2 thứ đó chính là niềm vui và thu nhập của họ.

8. Marketing và bán hàng

Sau tất cả bước chuẩn bị trên, để khách hàng biết và đến với quán thì việc quan trọng là marketing. Đây cũng là thứ quan trọng giúp chủ quán đẩy mạnh doanh số về sau này.

9. Chăm sóc khách hàng

Một số liệu cho thấy 80% doanh thu của cửa hàng đến từ 20% khách cũ. Chi phí để tiếp cận một khách hàng mới sẽ tốn gấp 5 lần chi phí duy trì khách hàng cũ. 67% khách hàng cũ chi tiền nhiều hơn khách hàng mới. 

Do vậy, bà Thủy cho rằng việc chăm sóc khách hàng rất quan trọng. Những lý do khiến họ không quay trở lại gồm có địa điểm không thuận tiện, không gian không phù hợp, chất lượng đồ uống chưa tốt, thiếu các tiện ích, thái độ phục vụ chưa hài lòng, giá thành quá cao...

Một số cách để quán chăm sóc khách tốt hơn gồm có hiểu khách hàng, chiều khách. Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng bằng cách nhớ tên họ, món họ ưa thích hay đơn giản hóa quá trình mua hàng. Những chính sách ưu đãi, khuyến khích khách hàng trung thành cũng giúp khách hàng quay lại quán.

10. Quản trị

Để quán phát triển thì vai trò của quản trị của chủ quán rất quan trọng. Họ cần phải trở thành nhà lãnh đạo, phát huy, khích lệ được khả năng của nhân viên.