Tiềm năng du lịch Điện Biên đang được đánh thức và khai thác ngày càng có chiều sâu, phát huy được giá trị. Nhờ đó, năm 2023, Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Tỉnh Điện Biên là địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc. Hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Điện Biên đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp “không khói” theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả.

Du lịch Điện Biên cũng nằm trên các hành lang du lịch quan trọng mang tầm quốc gia. Điện Biên có thế mạnh về núi đồi, bản làng, cộng đồng 19 dân tộc anh em cùng chung sống và những nét văn hóa, tín ngưỡng riêng biệt, độc đáo. Nơi đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch lịch sử và du lịch biên giới. Vì vậy, Điện Biên là một trong những nơi trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung..

Điện Biên phát triển ngành công nghiệp “không khói” theo hướng chuyên  第1张 Guồng nước- nét văn hoá độc đáo của đồng bào Thái

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên chủ trương phát triển du lịch lấy người dân làm trung tâm. Mỗi người dân trở thành một sứ giả văn hóa có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường, cảnh quan, bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau.

Du lịch cộng đồng ở Điện Biên còn thu hút khách và phát triển thông qua duy trì việc dệt thổ cẩm. Hoạt động này đã ít nhiều giúp du khách hiểu thêm về bản sắc văn hóa các dân tộc của Điện Biên. Qua đây, khách du lịch còn có thể tìm mua được những món quà lưu niệm đặc trưng của Điện Biên, do người dân tự làm như: Khăn piêu, túi xách, chăn ga, váy áo bằng thổ cẩm.

Thêm nữa ở hoạt động du lịch cộng đồng là dịch vụ HomeStay - dịch vụ ăn nghỉ tại chính các gia đình người dân bản địa. Đặc biệt hơn, du khách được hòa mình và có thể say với những câu hát, điệu múa qua các tiết mục dân ca, dân vũ độc đáo truyền thống của các dân tộc.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 10 bản văn hóa du lịch. Hàng năm, tỉnh đã đầu tư và hướng dẫn các bản cách làm du lịch. Theo đó, mô hình ở các bản làm du lịch cộng đồng đều có nét tương đồng. Từ việc xây dựng nhà văn hóa truyền thống, nhà ăn, sân lễ hội phục vụ cộng đồng; xây dựng kiên cố trục đường giao thông chính dẫn vào bản... cho đến việc trang hoàng nhà cửa của từng hộ, rồi trưng bày các hiện vật, các dịch vụ ăn, nghỉ, giao lưu văn hóa văn nghệ.v.v. đều thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng vùng miền. 

Những thông tin trên cho thấy, tiềm năng du lịch Điện Biên đang được đánh thức và khai thác ngày càng có chiều sâu, phát huy được giá trị. Nhờ đó, năm 2023, Điện Biên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm, cho tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm 2022.

Theo ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên, việc cán mốc 1 triệu lượt khách du lịch và các hoạt động quảng bá đã được triển khai sẽ tạo đà tăng trưởng vững chắc cho ngành du lịch trong Năm du lịch quốc gia – Điện Biên 2024.

"Con số 1 triệu lượt khách du lịch đến với Điện Biên là một tín hiệu rất mừng mặc dù trong thời gian vừa qua cảng hàng không Điện Biên phải tạm dừng để phục vụ cho việc nâng cấp, sửa chữa. Để có được điều này là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc hết sức trách nhiệm, tích cực của cả hệ thống chính trị, nhận thức của cộng đồng xã hội và người dân về du lịch đã được nâng lên', ông Minh Phú bày tỏ.

Nhằm quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, tiềm năng du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động gắn với bản sắc văn hóa con người, thiên nhiên nơi đây.

Nổi bật trong số đó phải kể đến Lễ hội Hoa Ban được tổ chức vào trung tuần tháng 3 hằng năm, cùng nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn đã thu hút đông đảo du khách đến với mảnh đất Điện Biên thân thiện, mến khách.

Tới đây, với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”, năm 2024, Điện Biên vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Đây là điều kiện, cơ hội để ngành du lịch Điện Biên “cất cánh”, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.