Thông thường các CEO Mỹ thường ủng hộ ứng viên tổng thống kín đáo, nhưng tỉ phú công nghệ Elon Musk đã ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump một cách 'ồn ào và tự hào'.

Động cơ khiến tỉ phú Elon Musk dốc sức ủng hộ ông Trump  第1张

Tỉ phú Elon Musk tham dự một sự kiện kêu gọi tại bang Pennsylvania ngày 17-10 - Ảnh: REUTERS

Thông thường, các giám đốc điều hành (CEO) hay nhân vật cao cấp trong giới kinh doanh thường tổ chức các bữa tối độc quyền, xa xỉ, cùng sự tham gia của những nhà tài trợ tiềm năng, nhằm gây quỹ cho ứng viên mà họ ủng hộ.

Ông Erik Gordon - khoa khởi nghiệp tại Đại học Michigan (Mỹ) - cho rằng các CEO thường có cách kêu gọi kín đáo, ít phô trương trước công chúng.

Tuy nhiên tỉ phú Elon Musk đã lựa chọn một con đường hoàn toàn ngược lại: công khai, dễ tiếp cận và toàn diện hơn. Nhà sáng lập SpaceX đã ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump một cách “ồn ào và tự hào”, khiến ông trở thành tâm điểm của sự chú ý.

Dốc hết sức ủng hộ ông Trump

America PAC - Ủy ban hành động chính trị do ông Musk thành lập để ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump - đã chi hơn 119 triệu USD trong kỳ vận động tranh cử này, theo dữ liệu từ Open Secrets.

Ngoài ra những đóng góp cá nhân của ông Musk khiến vị tỉ phú này trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc đua tổng thống năm nay. 

Bên cạnh đó, nhà điều hành Tesla cũng giữ vai trò quan trọng trong những sự kiện vận động tranh cử của ông Trump tại các bang chiến trường, theo Đài BBC.

  • Tỉ phú Elon Musk tặng tiền cho các cử tri Mỹ có hợp pháp?

“Chỉ riêng sự đầu tư cá nhân cũng đủ khiến tôi ngỡ ngàng. Việc một người thật sự dành nhiều thời gian và tiền bạc để tác động đến các cử tri như vậy cho thấy ông Musk phải có lý do riêng”, một trợ lý đắc lực của ông Musk chia sẻ.

Kể từ lần đầu tiên ủng hộ ông Trump sau vụ ám sát hụt tại bang Pennsylvania hồi tháng 7, ông Musk đã trở thành nhân vật đại diện vì thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện vận động tranh cử của cựu tổng thống 78 tuổi. Tại đây, nhà sáng lập SpaceX thẳng thắn đưa ra quan điểm chỉ có ông Trump mới “cứu được nền dân chủ”.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Musk đã dành thời gian đi khắp Pennsylvania, một trong những bang chiến trường có vai trò quan trọng bậc nhất, nhằm thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho ông Trump.

Mới đây, tỉ phú Elon Musk còn hào phóng tuyên bố mỗi cử tri ký tên vào kiến nghị của PAC do ông thành lập sẽ có cơ hội nhận khoản tiền thưởng lên đến 1 triệu USD.

Động cơ khiến tỉ phú Elon Musk dốc sức ủng hộ ông Trump  第2张

Tỉ phú Elon Musk (trái) bắt tay với cựu tổng thống Donald Trump tại hậu trường vận động tranh cử ở thành phố Butler, bang Pennsylvania ngày 5-10 - Ảnh: GETTY IMAGES

Động cơ của ông Musk là gì?

Một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi về động cơ của ông Musk, đồng thời lập luận rằng vị tỉ phú này và các doanh nghiệp của ông có thể được hưởng lợi từ mối quan hệ với ông Trump.

“Tôi cho rằng mối quan tâm của ông Musk chủ yếu tập trung vào một vài thứ quan trọng liên quan đến doanh nghiệp của ông ấy”, CEO của công ty cung cấp dịch vụ sạc xe điện Chargeway Matt Teske cho biết.

Đồng quan điểm với ông Teske, giáo sư Gordon cho rằng ông Musk luôn cảm thấy bị kiểm soát bởi các cơ quan chức năng.

Ông Musk cũng tin rằng sự can thiệp của chính quyền đã kìm hãm những bước tiến trong công nghệ, chẳng hạn như lĩnh vực xe điện.

  • Tỉ phú Elon Musk treo thưởng 1 triệu USD mỗi ngày để giúp ông Trump

  • 'Canh bạc Donald Trump' của Elon Musk

“Ông ấy muốn trở thành một doanh nhân tiên phong, người khai phá những lối đi mới mà không bị trói buộc bởi các quy định - điều sẽ khiến công nghệ phát triển chậm lại 5, 10 hay 20 năm”, giáo sư Gordon nêu quan điểm.

Nếu thắng cử vào tháng 11, ông Trump có thể sẽ bổ nhiệm ông Musk vào vị trí bộ trưởng cắt giảm chi phí. Nhưng ngay cả khi điều này không xảy ra, ông Trump vẫn sẽ lắng nghe ông Musk vì sự ủng hộ to lớn từ nhà sáng lập SpaceX.

Về phần mình, ông Musk có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình ra quyết định của chính quyền. Chính vị tỉ phú này từng thừa nhận ông ủng hộ ý tưởng thành lập một bộ phận chuyên trách nhằm chấm dứt sự thắt chặt trong các quy định.

Ngược lại, Đảng Dân chủ lại tin rằng những hành động hiện tại và tương lai của ông Musk có thể gây ra xung đột về mặt lợi ích.

Ông Lenny Mendonca - cựu cố vấn kinh tế của Thống đốc California Gavin Newsom - cho rằng những doanh nghiệp hay đơn vị có mối quan hệ thân thiết với chính quyền “có thể lên tiếng”, nhưng không nên nắm quyền ra quyết định.

Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.