Đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2025: đúng yêu cầu, định hướng của Chương trình mới  第1张 Học sinh cần nghiên cứu kỹ đề tham khảo do Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Việc Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc đề thi tham khảo tạo thuận lợi cho kế hoạch dạy - học và quá trình ôn luyện của học sinh. Các thầy cô Hệ thống Giáo dục Học mãi nhận định: "Nội dung các câu hỏi trong đề thi tham khảo có nhiều yếu tố mới mẻ, xuất hiện nhiều câu hỏi ứng dụng thực tiễn, thực hành, bám sát tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018". 

Đề ngữ văn: giảm tải áp lực cho thí sinh

So với đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT được công bố vào cuối tháng 12/2023 và những định hướng trong hoạt động kiểm tra, đánh giá của Chương trình mới, đề thi tham khảo bảo đảm đúng các tiêu chí về việc lựa chọn ngữ liệu, ma trận câu hỏi.

Phần đọc hiểu cho một văn bản không nằm trong sách giáo khoa, đi kèm ngữ liệu là 5 câu hỏi thuộc 4 cấp độ: nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao. Phần viết chiếm tỷ lệ 60%, học sinh cần viết 1 đoạn văn nghị luận văn học và 1 bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ). So với đề minh họa, câu hỏi nghị luận văn học đã có sự thay đổi; từ làm rõ đặc điểm của thể loại sang phân tích nội dung. Điều này phần nào giảm tải áp lực cho các thí sinh dự thi năm nay - lứa học sinh đầu tiên học và thi theo Chương trình mới.

Đề toán: nhiều bài toán liên môn

Cấu trúc đề thi gồm 3 phần với 34 ý hỏi; câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn gồm 12 câu thuộc cấp độ nhận biết và thông hiểu; câu trắc nghiệm đúng/sai gồm 4 câu, mỗi câu 4 ý, được sắp xếp từ cấp độ nhận biết – vận dụng; câu trắc nghiệm trả lời ngắn gồm 6 câu đều ở cấp độ vận dụng.

Đề thi có 30% các ý hỏi (12 ý) thuộc chương trình lớp 11, xoay quanh các chuyên đề về hình học không gian; lượng giác; dãy số – cấp số cộng – cấp số nhân; mũ – logarit; xác suất cổ điển; lý thuyết đồ thị. Đặc biệt, câu hỏi thuộc phần lý thuyết đồ thị (câu 2 – phần III) là phần kiến thức thuộc chuyên đề học tập toán – phần kiến thức không phải học sinh nào cũng bắt buộc học tập. 70% các ý hỏi (22 ý) của đề thi thuộc chương trình lớp 12 và phủ tất cả các chuyên đề.

Về độ khó: đề có 25 ý hỏi thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu (chiếm khoảng 73%, tương ứng với khoảng 6 điểm). Các ý hỏi ở cấp độ vận dụng (chiếm khoảng 27%, tương ứng với khoảng 4 điểm) tập trung vào các bài toán ứng dụng thực tế, liên môn và thuộc các chuyên đề hàm số, nguyên hàm – tích phân, xác suất, hình học không gian và hình học Oxyz.

Đề vật lý: tăng cường ứng dụng thực tiễn và thực hành

Đề thi gồm 40 lệnh hỏi (28 câu hỏi) thực hiện trong thời gian 50 phút, trong đó có 18 câu hỏi trắc nghiệm 4 đáp án; 4 câu đúng/sai với 16 ý hỏi tương đương với 16 lệnh hỏi; 6 câu dạng trả lời ngắn. Các câu hỏi thuộc 3 cấp độ tư duy biết – hiểu – vận dụng theo tỷ lệ 45% - 35% - 25%.

Cấp độ tư duy được phân chia trong 3 dạng thức câu hỏi như sau: trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn gồm 18 câu hỏi (chiếm 45%); trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý; trắc nghiệm dạng trả lời ngắn gồm 6 câu (chiếm 15%.).

Sự thay đổi lớn nhất về mặt nội dung trong đề thi tốt nghiệp  THPT từ 2025 vật lý so với đề thi các năm trước, đó là nội dung kiến thức 100% thuộc chương trình lớp 12, không có nội dung câu hỏi thuộc chương trình 10 và 11. Nội dung câu hỏi chú trọng kỹ năng đọc hiểu, phân tích và thí nghiệm thực hành, bám sát bản chất của vật lý; đồng thời các câu hỏi cũng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa liên quan đến thực tiễn, ứng dụng của vật lý trong đời sống, khoa học và công nghệ.

Đề hóa học: ít câu hỏi tính toán

Về cấu trúc, đề tham khảo gồm 3 phần thi với 28 câu hỏi tương đương 40 lệnh hỏi. Về phạm vi, đề có 2 câu thuộc chương trình lớp 10, 2 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11; còn lại là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12.

Phần lớn các câu hỏi được phát triển từ các nội dung đã được đề cập trong SGK; một số câu có liên quan đến phần chuyên đề.

Về độ khó: tỷ lệ câu hỏi nhận biết – thông hiểu chiếm khoảng 75 – 80%, tỷ lệ câu hỏi vận dụng chiếm khoảng 20 – 25%.

Đề không quá khó, nhưng khá dài; nội dung câu hỏi thiên về lý thuyết và bản chất hoá học, ít câu hỏi tính toán; chứa nhiều câu liên quan đến ứng dụng thực tiễn.

Đề sinh học: đòi hỏi khả năng tư duy

Đề thi giảm hẳn yếu tố tính toán so với xu hướng ra đề trước đây, yêu cầu học sinh hiểu rõ bản chất, tăng cường đánh giá khả năng đọc hiểu, tư duy phân tích và giải quyết vấn đề. Để đạt điểm cao môn sinh trong kì thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh cần thay đổi việc ôn luyện để đáp ứng tốt nhất cho sự thay đổi của kỳ thi.

Đề tham khảo giữ nguyên số lượng lệnh hỏi tương đương với số lượng câu hỏi trong bài thi tốt nghiệp cũ (40 lệnh hỏi). Thời gian làm bài: 50 phút, gồm 18 câu trắc nghiệm 4 đáp án; 4 câu đúng/sai với 16 lệnh hỏi tương đương với 16 câu hỏi; 6 câu dạng trả lời ngắn.

Đề thi yêu cầu thí sinh các kiến thức từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng; nhiều câu hỏi áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Các câu hỏi đòi hỏi khả năng tư duy nhiều hơn, giảm thiểu các câu hỏi tính toán “phi sinh học”.

Về dạng thức câu hỏi: đề có sự đổi mới trong đó bao gồm cả 3 dạng thức câu hỏi mới; 15% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức lớp 11; 85% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức lớp 12.

Nhìn chung, đề tham khảo bám sát  yêu cầu mục tiêu lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT; đồng thời bảo đảm tính phân hóa nhằm phân loại thí sinh.