Ngày 4/10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước về tình hình thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN năm 2025 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.

Đề xuất giảm mức thuế suất đối với các cơ quan báo chí, bản  第1张 Toàn cảnh cuộc làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tính đến 30/6/2024, về cơ bản các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ dự toán chi thường xuyên theo các Nghị quyết của Quốc hội, quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ đối với các lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, du lịch, phát thanh, truyền hình, thông tấn, giáo dục - đào tạo…
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mặc dù điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm dành một tỷ lệ ngân sách đáng kể đầu tư cho giáo dục và đào tạo, dạy nghề, đảm bảo tạo điều kiện cho các cơ sở Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề thực hiện nhiệm vụ chính trị chuyên môn của ngành, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Việc quản lý và sử dụng NSNN tại các cơ sở Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề về cơ bản đảm bảo đúng chính sách chế độ theo các quy định hiện hành và phù hợp với các nhiệm vụ được giao.
Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nhu cầu nguồn lực dành cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là rất lớn để xúc tiến, triển khai được các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn NSNN khó khăn, Bộ Tài chính cho rằng sẽ cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia hỗ trợ phát triển các lĩnh vực.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính luỹ kế trong 4 năm 2021-2024, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (NSTW) trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 6 ngành, lĩnh vực do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách đã phân bổ đạt 62,42% kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Trên cơ sở số liệu nhu cầu đầu tư tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư năm 2025 cho lĩnh vực văn hóa tăng hơn 4,2 lần so với kế hoạch năm 2024 để thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các ngành công nghiệp văn hóa; đầu tư hoàn thiện các công trình văn hóa quan trọng; đầu tư tu bổ các di sản văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tại địa phương phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hưởng thụ văn hoá của người dân.
Nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư cho lĩnh vực thể dục, thể thao cũng tăng hơn 3,7 lần so với kế hoạch năm 2024; trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tăng hơn 2,58 lần so với kế hoạch năm 2024; trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, thông tấn tăng hơn 1,96 lần so với kế hoạch năm 2024…
Theo kết quả kiểm toán 2024 trong các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách cho thấy, về cơ bản các bộ, ngành đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác điều hòa, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; công tác quản lý, thực hiện đầu tư đã được tổ chức thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các bộ, ban, ngành và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư ngay từ đầu năm. Kịp thời đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và giao các đơn vị, địa phương chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trong đó có các lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chưa thể hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; và những giải pháp quyết liệt của hai Bộ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế chỉ ra trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023 và những năm trước, để kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch NSNN những tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ, vấn đề triển khai các nội dung đề xuất, kiến nghị của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các Bộ, ngành được nêu ra đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ở những kỳ làm việc trước chưa được thể hiện trong Báo cáo.
Trong giai đoạn tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chưa được quan tâm; đồng thời tham mưu với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035 (khi được Quốc hội thông qua); chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (khi được phê duyệt). Đảm bảo đủ NSNN chi cho GDĐT theo yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.
Bên cạnh đó, xem xét quy định giảm mức thuế suất đối với các cơ quan báo chí, xuất bản khi xây dựng Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); có chính sách thúc đẩy kinh tế báo chí, trong đó, có một số nhóm chính sách thành phần: Thành lập Tập đoàn báo chí; tạo điều kiện trong liên kết hoạt động báo chí; sửa đổi quy định về nguồn thu của báo chí…  tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển.
(Theo CLO)