PGS Nguyễn Đức Thành ở Đại học Connecticut, Mỹ, được hai tổ chức tài trợ 16,1 triệu USD để theo đuổi các nghiên cứu về vaccine và kỹ thuật y sinh.
TS Thành, 40 tuổi, hiện là Phó giáo sư (Associate Professor) tại Khoa Kỹ thuật cơ khí và Kỹ thuật y sinh.
Nhóm nghiên cứu do anh đứng đầu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) rót bốn khoản R01 - khoản trợ cấp hào phóng nhất của tổ chức này, tổng hơn 9,5 triệu USD, theo công bố hôm 14/10. Trong số này, 7,5 triệu USD dành cho phòng thí nghiệm và nhân sự tại Đại học Connecticut (UConn), còn lại cho các cộng tác viên.
Tháng trước, Quỹ Bill và Melinda Gates cũng phê duyệt hai khoản tài trợ cho nhóm của anh Thành, tổng 6,6 triệu USD.
Trong bài đăng trên trang chủ Đại học Connecticut cách đây vài ngày, anh Thành được đánh giá là "ngôi sao" về Kỹ thuật y sinh, một trong những nhà nghiên cứu nhận được nhiều tài trợ nhất của trường.
Các nghiên cứu của anh là sự giao thoa của y sinh học, kỹ thuật vật liệu, việc sử dụng công nghệ nano và công nghệ vi mô.
"Chúng tôi luôn muốn giải quyết các vấn đề lớn trong y học, những vấn đề có tác động lớn đến sức khỏe con người", anh Thành nói.
PGS Nguyễn Đức Thành. Ảnh: NguyenLab/UConn
Khoản tài trợ R01 có tính cạnh tranh cao, được NIH trao cho các dự án nghiên cứu và phát triển về cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, giảm bệnh tật và khuyết tật.
Trong bốn khoản tài trợ, hai khoản dành cho nghiên cứu hoàn toàn mới, lần lượt 2,1 triệu và 1,5 triệu USD. Anh Thành là nhà nghiên cứu chính trong dự án thứ nhất, với mục đích kích thích và đẩy nhanh quá trình chữa lành khiếm khuyết ở những xương dài nhất trong cơ thể, như xương đùi và xương chày.
"Xương ở hầu hết bộ phận của cơ thể có thể tự tái tạo, nhưng nếu chấn thương ở xương dài và lớn, cơ thể cần được hỗ trợ mới tái tạo được", anh lý giải.
Hiện, chấn thương nặng ở xương dài thường được điều trị bằng cách dùng tế bào gốc để kích thích quá trình chữa lành. Tuy nhiên, kỹ thuật này gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể khiến bệnh nhân suy yếu.
Nhóm của anh Thành nỗ lực giảm nguy cơ trên bằng cách làm một khung đỡ (tissue scaffold) bằng vật liệu sinh học an toàn, có khả năng tạo xung điện để kích thích quá trình phục hồi xương.
Khoản R01 thứ hai dành cho dự án nghiên cứu công nghệ vi kim (microneedle), cung cấp các kháng thể đa năng có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể trẻ sơ sinh khi bú sữa từ mẹ bị nhiễm HIV. Qua đó, trẻ nhỏ duy trì khả năng miễn dịch với virus HIV. Hiện quá trình này còn tốn kém và phiền hà bởi kháng thể cần được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, phải tiêm nhiều lần.
PGS Thành cho biết các miếng dán vi kim sẽ giúp đơn giản hóa đáng kể quy trình trên và giảm chi phí bảo quản lạnh. Cùng với các cộng sự ở trường Y khoa Đông Virginia (Mỹ), anh sẽ kiểm tra tính hiệu quả của các miếng dán chống HIV trên động vật trong thời gian tới.
Theo anh, phương pháp này giúp đưa kháng thể vào người nhận mà không gây đau đớn. Ở giai đoạn cuối cùng, các miếng dán sẽ được thử nghiệm trên bệnh nhi có nguy cơ nhiễm HIV cao do bú sữa mẹ.
Khoản thứ ba, trị giá 2,16 triệu USD được NIH dành cho nghiên cứu về cách tăng hiệu quả của hóa trị liệu với bệnh nhân ung thư não, nhờ công nghệ siêu âm phân hủy sinh học do anh Thành phát minh.
Khoản thứ tư - gần 2 triệu USD được cấp cho dự án giá đỡ mô sinh học làm từ polyme có thể phân hủy và chạy bằng điện. Anh Thành cho biết sẽ nghiên cứu xem liệu giá đỡ có thể tái tạo sụn người như đã được thử nghiệm thành công trên thỏ hay không. Phương pháp này có thể là bước ngoặt trong điều trị cho những bệnh nhân bị thoái hóa xương khớp.
Với tài trợ từ Quỹ Bill và Melinda Gates, nhóm của anh Thành được rót 6,6 triệu USD, chia làm hai đợt, nhằm phát triển một miếng dán vi kim, có khả năng tiêm nhiều loại vaccine cho người cùng một lúc.
"Chúng tôi đang nỗ lực mở rộng nghiên cứu loại miếng dán này. Nó có thể đồng thời đưa nhiều loại vaccine hay kháng thể vào cơ thể, chống lại bệnh viêm gan, bạch hầu, uốn ván, ho gà, HIV và bại liệt", anh Thành cho hay.
Anh nói thêm bệnh bại liệt vẫn gây ảnh hưởng đến người dân ở các nước đang phát triển, nặng nhất tại Afghanistan Pakistan. Anh Thành hy vọng dự án sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa của bệnh.
Đại học Connecticut cho biết tổng số tiền tài trợ mà anh Thành nhận được kể từ năm 2016 - khi anh bắt đầu làm việc tại trường, đến nay là 25 triệu USD. Trường đánh giá "đây là minh chứng cho thấy sự ảnh hưởng to lớn và tầm quan trọng trong các nghiên cứu của PGS Thành".
Anh Thành nói phải mất nhiều năm để thu hút được các khoản hỗ trợ này.
"Chúng tôi kiên trì làm việc, có nhiều nghiên cứu chất lượng cao được công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng. Điều đó đã giúp tạo ra những dự án thành công và có tầm ảnh hưởng lớn", anh Thành cho hay.
Anh Thành (ngoài cùng bên phải) và các cộng sự tại NguyenLab, Đại học Connecticut. Ảnh: NguyenLab/UConn
TS Nguyễn Đức Thành là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Anh tốt nghiệp hệ kỹ sư tài năng ngành Vật lý tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2007. Một năm sau, anh nhận học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam – Mỹ (VEF) để học tiến sĩ tại Đại học Princeton, hoàn thành luận án năm 2013.
Anh sau đó theo đuổi chương trình Postdoc (sau tiến sĩ) tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), được Đại học Connecticut bổ nhiệm vị trí Assistant Professor, rồi Associate Professor (năm 2022) tại Khoa Cơ khí và Kỹ thuật Y sinh.
Anh từng nhận giải thưởng nhà nghiên cứu trẻ tiên phong của NIH (năm 2017), top 18 kỹ sư chế tạo trẻ xuất sắc thế giới do Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ trao tặng (năm 2018), top 10 nhà sáng chế dưới 35 tuổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương do MIT bình chọn, top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (2019).
Hiện, anh Thành sở hữu hơn 20 bằng sáng chế, là thành viên cao cấp của Viện Hàn lâm các nhà phát minh Mỹ. Anh hướng dẫn 21 nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ trong phòng thí nghiệm của mình, 4 người đến từ Việt Nam.
Khánh Linh
Đăng thảo luận