Ngoài lương, chính sách ưu đãi tốt, không yêu cầu ứng viên có tay nghề, nhiều doanh nghiệp còn đưa ra mức thưởng hấp dẫn nhưng vẫn không tuyển đủ người
"Thưởng 2,5 triệu đồng/người khi làm đủ 3 tháng cho lao động thời vụ; thưởng 3,5 triệu đồng/người khi làm đủ 3 tháng cho lao động chính thức" - chính sách thưởng này được Công ty TNHH FAPV (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) rao tuyển trên các mạng xã hội và bảng tuyển dụng trước cổng công ty. Không chỉ có FAPV, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai cũng đang "treo" thưởng vì cần tuyển gấp nhiều lao động.
Nhiều chế độ ưu đãi
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH FAPV, cho biết trước đây do thiếu đơn hàng, công ty không tăng ca nên nhiều người lao động (NLĐ) rời DN. Nay đơn hàng dồi dào, DN cần tuyển gấp 500 lao động với điều kiện thoáng như lao động nam chỉ cần tốt nghiệp THCS, lao động nữ biết đọc, viết.
Bên cạnh đó, công ty còn kèm các chế độ ưu đãi như: hỗ trợ tiền xe từ quê lên, có nhà lưu trú và xe đưa đón (miễn phí), lương thử việc 5,35 triệu đồng/tháng, lương ký hợp đồng 5,65 triệu đồng/tháng, thưởng chuyên cần 250.000 đồng/tháng, phụ cấp nhà ở, đi lại 680.000 đồng/tháng, tăng ca 41.400 đồng/giờ, phụ cấp ca đêm 89.833 đồng/đêm…
Tổng thu nhập NLĐ làm giờ hành chính là 6,5 - 9 triệu đồng/người/tháng, làm ca (12 giờ) từ 9 - 12 triệu đồng/tháng. "Đặc biệt, công ty thưởng Tết tháng 13, có phụ cấp tiếng Anh và Nhật từ 400.000 - 2 triệu đồng/người/tháng và NLĐ làm ở công ty còn có cơ hội sang Nhật làm việc" - ông Sơn nói.
Thiếu lao động, doanh nghiệp đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn để tìm người
Tương tự, do thiếu lao động, Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (KCN Đồng An, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đang tuyển dụng thêm 300 công nhân (CN) may để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao. Công ty đã sử dụng nhiều kênh thông tin để tiếp cận ứng viên, bao gồm các nền tảng mạng xã hội và thông qua sự giới thiệu từ CN của DN.
Ông Trần Xuân Bằng, Phó Phòng Quan hệ Lao động Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam, cho biết DN đưa ra chính sách mới, hỗ trợ đặc biệt cho những ứng viên gia nhập công ty từ tháng 8-2024. Cụ thể, đến cuối năm CN mới sẽ được nhận thưởng lương tháng 13 năm 2024, bất kể thời gian làm việc thực tế chỉ từ 4 - 5 tháng. "Thông thường, lương tháng 13 được tính dựa trên số tháng làm việc trong năm, nhưng hiện DN sẵn sàng ưu đãi để CN mới gia nhập vẫn có thể nhận đủ khoản thưởng này" - ông Bằng giải thích.
Đối với CN đã có tay nghề, công ty áp dụng mức thưởng dựa trên bậc tay nghề: bậc A nhận 3,38 triệu đồng và bậc B nhận 2,99 triệu đồng. Theo ông Bằng, số tiền thưởng này được chia theo từng giai đoạn gắn bó với công ty, từ 1 - 6 tháng, nhằm khuyến khích sự ổn định và cam kết lâu dài của CN.
Cung - cầu chưa gặp nhau
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết qua khảo sát của Trung tâm Dịch vụ Việc làm thành phố, từ đầu năm đến nay có hơn 23.000 DN cần tuyển dụng lao động. Nhưng nhiều DN không tuyển đủ người, vì cung - cầu chưa gặp nhau. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp DN trả lương thấp, NLĐ không hài lòng; có DN "chê" kỹ năng của NLĐ chưa đạt yêu cầu…
"Với những DN thâm dụng lao động, việc sa thải người cũ và tuyển dụng người mới diễn ra quanh năm. Một số thời điểm tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng như cuối năm, đơn hàng nhiều… Lúc đó, họ cần tuyển số lượng lớn lao động trong thời gian ngắn sẽ diễn ra tình trạng khó tuyển mang tính thời điểm" - bà Trúc đánh giá.
Lấy ví dụ một DN giày da lớn trên địa bàn thành phố, bà Trúc nói DN này đã cho nghỉ việc chục ngàn lao động trong năm 2023 vì gặp khó khăn. Sang năm 2024, đơn hàng nhiều, DN cần tuyển hàng ngàn lao động bổ sung thì không thể tuyển đủ ngay được.
Một hiện tượng khác là lao động bị cho nghỉ việc trong các ngành thâm dụng lao động thường là lao động lớn tuổi, thâm niên, lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Nay tuyển lại, DN trả mức lương khởi điểm không tính thâm niên nên rất thấp, vì vậy họ không nhận việc mà tìm công việc khác. Chính những lý do trên dẫn đến tình trạng nguồn cung lao động trên địa bàn TP HCM rất dồi dào nhưng không ít DN khó tuyển được người.
Khó tuyển lao động phổ thông
Tuyển lao động: Vì sao kẻ ăn không hết, người lần không ra?
Theo ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, có rất nhiều lý do DN không tuyển được lao động, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do DN trả lương thấp. Thực tế dòng lao động đang chuyển dịch về các tỉnh. Do sau khi dịch COVID-19, NLĐ về quê và không trở lại. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn, thu nhập từ CN không đủ trang trải cuộc sống ở thành phố, NLĐ làm công việc tự do như chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online kiếm được nhiều tiền hơn.
Qua khảo sát của Công đoàn các KCX-KCN thành phố, mức lương cơ bản DN trả cho NLĐ từ 5,2 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Thực tế hiện nay, mức lương này không có sự đột phá nên NLĐ chọn về quê làm tuy thu nhập thấp hơn nhưng ít tốn chi phí, không phải thuê nhà trọ.
Không yêu cầu ứng viên có tay nghề
Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) đang mở rộng sản xuất với 30 chuyền may, nên đang cần tuyển khoảng 1.000 lao động phổ thông để đáp ứng khối lượng đơn hàng lớn và liên tục trong năm. Để thu hút lao động, ngoài đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn, DN này không yêu cầu ứng viên có tay nghề nhưng vẫn được hưởng lương trong suốt thời gian đào tạo miễn phí.
Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ các khoản phụ cấp mỗi tháng cho CN, như xăng xe và nhà trọ với mức 600.000 đồng, chuyên cần 500.000 đồng, trợ cấp thâm niên 700.000 đồng sau 10 năm làm việc.
Đăng thảo luận