Luật Lưu trữ (sửa đổi): Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân 第1张 Quốc hội thông qua toàn văn Luật Lưu trữ (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link

Với đa số đại biểu tán thành, Luật Lưu trữ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Để làm rõ hơn những nội dung của Luật Lưu trữ (sửa đổi), phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.

Xây dựng một xã hội lưu trữ

- Cục trưởng có thể thông tin về những hoạt động của ngành, đặc biệt là kết quả nổi bật sau 12 năm thi hành Luật Lưu trữ năm 2011?

Cục trưởng Đặng Thanh Tùng: Công tác lưu trữ của một quốc gia quan trọng ở chỗ ngoài việc gìn giữ những bằng chứng lịch sử, bằng chứng về hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước và các hoạt động văn hóa chính trị của một quốc gia, thì các giá trị nó cần phải mang đến, truyền lại cho thế hệ sau là những giá trị nhân văn, giá trị tiến bộ để một dân tộc, một đất nước có được nền tảng cho sự phát triển sau này.

Từ xa xưa, dưới triều đại phong kiến, công tác lưu trữ hồ sơ, văn bản, tài liệu đã được chú trọng. Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm, bằng tầm nhìn của mình đã xác định việc lưu giữ giấy tờ, tài liệu quan trọng cho phương diện kiến thiết quốc gia.

Chính vì thế, cơ quan lưu trữ sớm được thành lập, cùng với đó là hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật được dần hình thành và hoàn thiện.

Từ năm 2011, khi Luật Lưu trữ được ban hành, khuôn khổ pháp lý quan trọng cho ngành Lưu trữ cũng như cho sự phát triển của việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt là trong 5-7 năm gần đây, bên cạnh sứ mệnh gìn giữ thì sứ mệnh phát huy giá trị tài liệu lưu trữ được chú ý, được quan tâm và tổ chức thực hiện nhiều hơn, không phải chỉ ở Trung ương mà cả các bộ, ngành và địa phương.

Qua đó, giúp cho xã hội nhận thức rộng hơn, đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về ý nghĩa, vai trò của tài liệu lưu trữ khi các tài liệu, văn bản về hoạt động của bộ máy nhà nước, của đời sống văn hóa xã hội được mang ra giới thiệu, trình bày dưới các hình thức phù hợp với giới trẻ. Từ đó, xã hội có thêm nguồn thông tin quá khứ chính thức, quan trọng, là nền tảng cho nhận thức, những thay đổi diễn biến tích cực của đất nước ở thời điểm hiện tại, cũng như định hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

- Thưa ông, Quốc hội vừa thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Việc sửa đổi Luật có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ?