Từ giữa tháng 7, Ngọc Ánh đã chủ động đặt vé xe khách từ Hà Nội về Nghệ An nghỉ lễ 2/9 sắp tới, nhưng vẫn thất bại.

Cô gái 25 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nói ám ảnh với những lần vật vờ xếp hàng lúc 3-4h sáng trước văn phòng nhà xe ở quận Nam Từ Liêm hay xuyên đêm canh trên website để mua được một vé giường nằm về quê mỗi kỳ nghỉ lễ. Ánh biết vé của hãng xe này thường hết sớm bởi dịch vụ chuyên nghiệp, không cho nằm luồng (nằm ở lối đi dọc xe) hay bắt khách dọc đường và giá mềm hơn, 260.000 đồng một lượt.

Rút kinh nghiệm từ những lần trước, để có vé về dịp nghỉ lễ, Ánh chủ động liên hệ từ giữa tháng 7 nhưng nhân viên hãng xe trả lời "khi nào có vé sẽ báo qua điện thoại để khách đặt chỗ". Đầu tháng 8, Ánh gọi điện hỏi lại mới biết toàn bộ số vé của các chuyến dịp 2/9 về TP Vinh đã hết sau vài tiếng mở bán.

"Trước đây họ thường thông báo công khai lịch mở bán vé nhưng đợt này lại không, thậm chí tôi đã đánh tiếng từ sớm mà vẫn không được", Ánh nói.

Hết cách, cô gọi điện thoại về quê nhờ mẹ ra một hãng xe khác ở TP Vinh xếp hàng chờ mua vé hôm 8/8 - đúng lịch nhà xe thông báo mở bán. Sau ba tiếng chờ đợi, mẹ Ánh đặt được vé hai chiều thành công khiến cô phở phào.

Chật vật săn vé tàu xe về miền Trung dịp 2/9  第1张

Ngọc Ánh liên tục kiểm tra vé giường nằm trên website của hãng xe sau khi đặt thành công đầu tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng chủ động đặt vé từ đầu tháng 8 nhưng Hồng Thắm, 28 tuổi, ở TP Hà Tĩnh không may mắn như Ngọc Ánh.

Thắm kể hãng xe cô thường đi về quê đã nhanh chóng hết vé sau vài tiếng mở bán trên website và cả tổng đài. "Kỳ nghỉ trước tôi đã lỡ cơ hội về nên nay quyết tâm phải có vé nhưng gọi đến nhà xe nào cũng được thông báo hết chỗ trong ngày 30/8 (ngày đầu nghỉ lễ) và ngày 3/9 (ngày nghỉ cuối)", Thắm kể. Cô cũng cho biết các ngày trước 28/8 vẫn còn vé nhưng không thể về sớm vì bận đi làm.

Hai tuần trước kỳ nghỉ lễ Hồng Thắm vẫn chật vật liên hệ đến các nhà xe uy tín để hỏi mua vé trong ngày 29-30/8, hy vọng có khách trả hoặc đổi vé. Bên cạnh đó cô cũng lên các hội nhóm để tìm mua vé bán lại. Tuy nhiên giá đắt hơn khoảng 100.000 đồng nên vẫn chần chừ.

"Thực ra vẫn còn một cách khác là ra bến đón xe tuyến, nhưng dễ bị nhồi nhét, ngồi luồng mà giá vé đắt", Thắm kể.

Đức Thái, 24 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội từng ra bến mua vé về Nghệ An trong các đợt nghỉ lễ dài. Dù đã gọi điện thoại đặt trước với tổng đài, được hướng dẫn ra quầy bán vé lấy số giường nằm nhưng cuối cùng anh vẫn bị xếp ngồi luồng.

"Giá vé vẫn thế nhưng ngồi luồng chật đến duỗi chân cũng không được, thậm chí phải giữ nguyên tư thế suốt 7-8 tiếng bởi tắc đường. Nếu không chịu ngồi chỉ có cách ở lại Thủ đô hoặc tự chạy xe về", Thái kể.

Ghi nhận của VnExpress ngày 19/8, một số nhà xe lớn chuyên tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hà Tĩnh đã hết vé chiều đi, chiều về từ ngày 30/8 đến 3/9. Một số nhà xe phải ngừng đặt trực tuyến, hệ thống đặt vé liên tục báo bận, nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm mua vé về miền Trung.

Hoạt động "săn lại vé" trở nên sôi động tại nhiều hội nhóm. Quản lý một nhóm trao đổi vé về miền Trung với hơn 30.000 thành viên cho biết từ đầu tháng 8, khi các nhà xe lớn mở bán sớm đã nhanh hết vé. Mỗi ngày nhóm có khoảng vài chục bài đăng tìm mua vé, chấp nhận giá cao.

Đại diện hãng xe Dũng Minh (tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh) cho biết mở bán từ 6h sáng ngày 1/8. Ngày đầu tiên đã có hàng trăm khách xếp hàng trước cửa văn phòng từ 4h sáng ở quận Cầu Giấy để mua vé. Chưa đến một tuần, vé các ngày cao điểm từ 29/9 đến 3/9 đã hết.

"Năm nào cũng đông nhưng năm nay lượng khách tới trực tiếp cũng như gọi tổng đài tăng gấp đôi, dù đã tăng cường thêm xe nhưng vé vẫn hết nhanh", đại diện nhà xe nói.

Một nhân viên bán vé tại hãng xe An Phú Quý (tuyến Hà Nội - Nghệ An) nói hãng mở bán vé từ đầu tháng 8 nhưng sau vài tiếng đã hết sạch vé chiều đi Hà Nội - Vinh ngày 30/8, đến hiện tại cũng chỉ còn lác đác vé ngày 27-28/8.

Nói về nguyên nhân lượng người mua vé tăng vọt, các nhà xe cho rằng có thể do năm nay nghỉ lễ dài, hãng có dịch vụ đưa đón tận nhà thuận tiện hơn, giá vé rẻ hơn đi xe từ các bến cố định.

Một nhà xe chuyên tuyến Hà Nội - Vinh tại bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết khoảng 5-6 năm trước vẫn có xe khách 29 -45 ghế ngồi nhưng do nhu cầu di chuyển của người dân thay đổi, muốn được thoải mái trong hành trình kéo dài 5-6 tiếng, nên các nhà xe phải chuyển sang giường nằm. "Tất cả các xe ghế ngồi của hãng tôi nay chuyển sang hết giường nằm, nhưng năm nào cũng phải nâng cấp, thiết kế lại nội thất để giữ khách", chủ hãng xe khách nói.

Đại diện Ban quản lý Bến xe Nước Ngầm cũng cho biết hiện các nhà xe đường dài đi các tỉnh miền Trung, miền Nam đều đã chuyển đổi từ ghế ngồi sang giường nằm nhiều năm trước.

Chật vật săn vé tàu xe về miền Trung dịp 2/9  第2张

Một số người dân e ngại ra bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai bắt xe về dịp nghỉ lễ vì sợ nhồi nhét, bắt ngồi luồng do không đặt trước. Ảnh minh họa: Thanh Nga

Tình trạng khó khăn trong việc đặt vé về các tỉnh miền Trung, chủ yếu là Nghệ An, Hà Tĩnh không chỉ với ôtô mà còn cả tàu hỏa.

Tối 19/8, Ngọc Linh ở quận Thanh Xuân tá hỏa liên hệ đặt vé xe khắp nơi khi các chuyến tàu Hà Nội - Vinh ngày 30/8 đều đã kín người đặt chỗ trên website.

"Đây là điều trước giờ rất hiếm gặp, kể cả Tết bởi vé ôtô có hết thì vé tàu cũng còn rất nhiều. Bây giờ chỉ còn rất ít vé ngồi còn khoang giường nằm đều cháy vé", Linh nói. Cô cũng cho biết trong tình trường hợp xấu nhất khi không đặt được vé buộc phải lùi kế hoạch về nghỉ lễ.

Sau 6 năm ở Hà Nội, chật vật với cảnh xếp hàng mua vé, săn lùng trên các hội nhóm hay chấp nhận thuê xe riêng, Lê Tuyết, quê Hà Tĩnh nói hiện tại mỗi năm chỉ về một lần vào dịp Tết. Không muốn khổ sở vào dịp lễ, chật vật tranh giành, thức trắng đêm mua vé cô gái 26 tuổi sẽ ở lại Hà Nội nghỉ ngơi, nếu thích thì thuê homestay thay đổi không khí.

"Nhiều năm về được đến quê là đổ bệnh vì kiệt sức, nếu muốn tôi sẽ dành ngày phép trong năm để về thăm gia đình, tránh dịp lễ đông đúc", Tuyết nói.

Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn