Cựu điều tra viên Marat Tambiyev bị cáo buộc nhận hối lộ 73 triệu USD từ nhóm tội phạm có tổ chức và được coi là "vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại".
Ngày 8/10, cựu điều tra viên Marat Tambiyev, 36 tuổi bị tuyên án tù 16 năm vì nhận hối lộ 73 triệu USD, phần lớn bằng bitcoin. Số tiền được hãng thông tấn TASS đánh giá "lớn nhất trong lịch sử Nga hiện đại".
Một đồng nghiệp của anh ta là Kristina Lyakhovenko cũng bị kết án tù 9 năm.
Cả hai đều có kế hoạch kháng cáo, trong đó Marat Tambiyev kêu oan.
Theo điều tra viên, Tambiev nhận hối lộ vào năm 2020-2022, khi mới giữ chức Trưởng phòng điều tra Meshchansky thuộc Ủy ban điều tra Liên bang Nga, sau đó là trưởng phòng điều tra quận Tverskoy của thủ đô.
Hôm 12/9, Tambiev bị công tố viên đề nghị 20 năm tù và phạt bổ sung 500 triệu ruble (gần 5,2 triệu USD) cho 9 tội nhận hối lộ với quy mô đặc biệt lớn, một lần hối lộ quy mô lớn và bốn hành vi chuẩn bị nhận hối lộ (theo điều 290 Bộ luật Hình sự Nga) và một tội lạm dụng chức vụ (Điều 286 Bộ luật Hình sự Nga).
Tại tòa, Tambiev kêu oan. "Tôi không gây thiệt hại một xu nào cho nhà nước mà đã hoàn trả ngân sách hơn 4 tỷ rúp bị tịch thu từ những kẻ lừa đảo trên Internet như một phần của vụ án mà chúng tôi đang tiến hành", bị cáo than thở và cho rằng công tố viên quá nhiều "tiêu chuẩn kép".
Ngoài hai bị cáo này, Phó trưởng phòng điều tra của Ủy ban điều tra quận Tverskoy của Moskva, ông Dmitry Gubin, cũng bị ra lệnh bắt nhưng đã trốn sang Uzbekistan.
Marat Tambiyev khi đương chức. Ảnh: CoinDesk
Theo CoinDesk, Marat Tambiev từng là một sĩ quan cấp trung của Ủy ban Điều tra Nga, đã bắt giữ một số thành viên của Tổ chức Infraud, nhóm tội phạm mạng khét tiếng của Nga vào tháng 1/2022. Trước đó, hai thành viên của Infraud bị kết án 5-10 năm tù tại Mỹ năm 2021 vì buôn bán dữ liệu cá nhân bị đánh cắp, thông tin thẻ tín dụng, phần mềm độc hại và các hàng hóa bất hợp pháp khác.
Những nghi phạm tin tặc mà Tambiev bắt giữ tại Moskva là Mark và Konstantin Bergman và Denis Samokutyayevsky bị cáo buộc đã hối lộ 1.032 Bitcoin để anh ta không tịch thu toàn bộ tiền điện tử của họ, theo tờ Kommersant.
Cụ thể, chỉ hai ngày sau khi các tin tặc bị bắt, theo biên bản thẩm vấn Konstantin Bergman, luật sư của họ đã chuyển lời đề nghị từ điều tra viên Tambiev rằng nếu đồng ý đưa cho Tambiev một nửa số bitcoin đang sở hữu, Tambiev sẽ trả phần còn lại cho họ. Tin tặc đã đồng ý. Cùng ngày, một tòa án quận ở Moskva đã thả ba tin tặc này sau khi nộp tiền bảo lãnh.
21h cùng ngày, ba hacker đã gặp Tambiev tại văn phòng Ủy ban điều tra và dành nhiều giờ để kiểm tra ví tiền điện tử của họ. Đến 7h sáng hôm sau, họ ghi nhận có tổng cộng 5.212,9 Bitcoin và đã trả cho Tambiev 2.718,66.
Tháng 3/2022, Tambiev bị bắt và căn hộ của anh ta ở Moskva bị khám xét. Trên máy tính xách tay MacBook của anh ta, các đồng nghiệp của Tambiev đã tìm thấy một tập tin có tiêu đề "Nghỉ hưu", với hình ảnh các ghi chú viết tay có chứa password của các ví điện tử, nhờ đó nhà chức trách thu lại được 1.032 Bitcoin.
Trong khi 1.032 Bitcoin bị tịch thu chính thức đã được Ủy ban điều tra lưu trữ để làm bằng chứng vật chất thì vẫn chưa rõ số tiền hối lộ còn lại hoặc 1.686 Bitcoin mà tin tặc nói rằng họ đã đưa cho Tambiev đã đi về đâu.
Trong suốt 11 năm làm việc tại Ủy ban điều tra, Tambiev đã kiếm được tổng mức lương khoảng 134.300 USD, theo các tài liệu buộc tội của Văn phòng Tổng công tố. Thu nhập này chiếm chưa đến 1% giá trị bitcoin trong ví của anh ta.
Hải Thư (Theo Reuters, CoinDesk, Kommersant)
Đăng thảo luận