Xuất phát từ ý tưởng giúp chị em phụ nữ tự tin hơn trong cuộc sống, tiếp cận được nhiều kiến thức xã hội, lớp học đặc biệt xóa mù chữ ở vùng biên viễn của Thanh Hóa đã ra đời.
Vào 19h tối, lớp học đặc biệt tại điểm trường bản Suối Lóng (xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) bắt đầu sáng đèn. Đây là lớp học dành cho những phụ nữ người dân tộc Mông không biết chữ hoặc đã được học chữ nhưng họ đã quên.
100% học viên của lớp học thuộc hộ nghèo trong xã Tam Chung. Đa số họ chỉ làm nương rẫy, không biết tiếng phổ thông, ít giao tiếp và tiếp cận với các thông tin mới.
Với tinh thần "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” cũng như thực hiện có hiệu quả nội dung "Ba bám, bốn cùng" với đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đồn biên phòng Tam Chung phối hợp với cấp cơ sở và Trung tâm học tập cộng đồng đã mở lớp xóa tái mù chữ trong năm 2023 tại bản Suối Lóng.
Hằng ngày sau khi kết thúc công việc tại đồn, thầy giáo mang "quân hàm xanh", Đại úy Đào Nguyên Túc (công tác tại Đồn Biên phòng Tam Chung) lại vội vàng chuẩn bị các dụng cụ dạy học, đi xe vào điểm trường bản Suối Lóng cách đơn vị 15km để lên lớp.
Đại úy Túc trực tiếp đứng lớp, giảng dạy bằng một ít vốn liếng tiếng Mông anh đã học được qua các năm công tác tại vùng đồng bào. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ từ một cán bộ người Mông của đồn để buổi học được giảng dạy bằng cả tiếng Việt và tiếng Mông.
Đại úy Đào Nguyên Túc giảng bài cho các học viên.
Với khiếu sư phạm của mình, thầy giáo Túc đã đưa đẩy những con chữ A, B, C khô khan thành những bài giảng vui vẻ, ngày càng thu hút nhiều học viên tham gia. Lớp học cũng có lớp trưởng, lớp phó, được khai giảng từ đầu tháng 11/2023.
Ban đầu lớp có 33 học viên, sau đó sĩ số lên tới 50 người. Dự kiến 1 tuần 3 buổi từ 19h - 21h nhưng hiện tại các học viên muốn nâng số buổi học lên tất cả các ngày trong tuần.
Tuy nhiên, để phù hợp với công việc của các chiến sĩ và học viên nên lớp học sẽ tổ chức học từ 3 - 4 buổi/tuần và sàng lọc những người thực sự muốn học để chất lượng được tốt hơn.
Các học viên của lớp đều là phụ nữ người dân tộc Mông.Đại úy Túc có 20 năm gắn bó với vùng biên Mường Lát nên anh thấu hiểu sự khó khăn của bà con dân tộc nơi đây. Trong quá trình công tác, anh luôn cố gắng đưa được thật nhiều thông tin bổ ích, tranh thủ sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm trong cả nước giúp bà con phát triển kinh tế, trẻ con được đi học.
Đại úy Túc cho biết, xuất phát từ mong muốn giúp chị em phụ nữ vùng biên có thể nâng cao hiểu biết, tiếp cận với các nền văn hóa hiện đại nên các giáo viên cố gắng truyền tải được nhiều bài học cho chị em.
Ở thời đại công nghệ thông tin, chữ viết càng quan trọng. Khi biết chữ, họ có thể nhắn tin, xem tin tức trên mạng xã hội, thậm chí có thể phát triển kinh tế gia đình thông qua các nền tảng mạng xã hội trực tuyến.
Trong lớp học còn nhiều chị em phụ nữ trẻ, nếu biết chữ viết họ có thể tự đi tìm công việc khác thay vì chỉ ở nhà hoặc làm nương rẫy. Từ đó, giúp họ xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò của người phụ nữ trong thôn, bản.
Lớp học không chỉ là nơi học chữ mà còn là nơi giao lưu cho các chị em vào các buổi tối.Mỗi giờ lên lớp, chị em phụ nữ được học cách viết chữ, làm toán. Ngoài ra, giờ giải lao học viên được giao lưu chia sẻ nhiều kiến thức khác như hôn nhân, chấp hành chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương và đặc biệt là chấp hành các quy định của pháp luật ở khu vực biên giới, những vấn đề có liên quan đến hôn nhân cận huyết thống, làm ma khi gia đình có người chết sao cho vệ sinh, tiết kiệm, cưới hỏi… Điều này trực tiếp góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Lớp học trở thành nơi giao lưu của các chị em trong thôn bản nên họ thích đến lớp hơn. Qua đó, họ yêu quê hương, đất nước của mình hơn, biết vận động người dân nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, sẻ chia giúp nhau cùng tiến bộ.
Theo Đại úy Túc, khó khăn của lớp học hiện nay là học viên trình độ dân trí còn hạn chế, nhận thức không đồng đều. Để học viên có thể tiếp thu kiến thức, giáo viên phải truyền tải theo cách phù hợp.
Trong thời gian tới, Đại úy Túc hy vọng lớp học nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân để có thêm kinh phí duy trì tiền giấy bút, phô tô tài liệu cũng như có chút bánh kẹo cho học viên liên hoan tập thể, tăng kết nối hơn.
Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Tam Chung là 63,64%, đến năm 2022 giảm xuống còn 50,6%, những con số có thể xem như tín hiệu đáng mừng trong công tác giảm nghèo.
Kinh tế của bà con dân tộc thiểu số nơi đây (bao gồm dân tộc Thái và dân tộc Mông) chủ yếu dựa vào trồng ngô, sắn và chăn nuôi trâu, bò nên còn nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu học hết tiểu học sau đó lại tái mù chữ. Vậy nên lớp học xóa tái mù chữ của thầy giáo "quân hàm xanh" hứa hẹn sẽ góp phần thay đổi đời sống cho bà con.
Đăng thảo luận
2024-10-31 14:45:30 · 来自121.77.241.249回复
2024-10-31 14:55:00 · 来自121.77.197.178回复
2024-10-31 15:05:06 · 来自121.76.33.70回复
2024-10-31 15:15:02 · 来自182.80.182.40回复
2024-10-31 15:25:12 · 来自106.90.162.22回复