Tự mang cơm trưa, tự cắt tóc, không đi du lịch tốn kém, không trà sữa, hạn chế cà phê, mua đồ giảm giá... tôi tiết kiệm 60% thu nhập.

Mình 30 tuổi, đã lập gia đình, chưa có con, hiện làm nhân viên văn phòng. Mức lương mỗi tháng của tôi khoảng 50 triệu đồng thực nhận. Lương của chồng tôi thay đổi hàng tháng, nhiều hơn, nhưng bản thân tôi cũng không quan tâm lắm vì mọi chi phí vợ chồng đều chia đôi.

Tôi và chồng mình giống nhau ở một điểm là đều có suy nghĩ bình đẳng, nên mọi chi phí trong nhà, thậm chí việc nhà chúng tôi cũng chia nhau ra làm, xem đó là trách nhiệm chung chứ không có khái niệm "ai giúp ai".

Với mức lương 50 triệu, tôi chia ra làm các phần như sau:

Phần góp chung hai vợ chồng: chúng tôi đóng góp số tiền bằng nhau - 20 triệu đồng mỗi người để làm khoản tiết kiệm, 2 triệu đồng mỗi người dành cho các khoản phát sinh (tiền này chúng tôi không sử dụng hàng tháng mà tích lũy để khi có việc phát sinh không phải động vào các quỹ tiền khác); 12 triệu đồng mỗi người tiền sinh hoạt phí.

Với tổng 24 triệu đồng dùng cho sinh hoạt mỗi tháng, chúng tôi chi tiêu những khoản sau:

Tiền thuê nhà, điện, nước, gas (9 triệu đồng); tiền chợ (6-7 triệu đồng); tiền đi ăn ngoài (lâu lâu mới đi, trung bình 2-3 lần mỗi tháng, mỗi lần từ 300.000 - 800.000 đồng). Nguyên tắc của chúng tôi là không đi ăn ngoài những món có thể tự nấu được ở nhà. Ngoài ra, thỉnh thoảng chúng tôi có mời bạn bè tới nhà ăn cho rẻ và thoải mái.

Bên cạnh đó, về chi phí xe cộ gồm: tiền xăng, bảo hiểm, bảo trì xe, phí cầu đường... Chúng tôi có một ôtô và một xe máy điện. Chúng tôi không dùng ôtô thường xuyên, mà chỉ sử dụng những lúc đi chơi, đi ăn ngoài hoặc về quê. Chồng tôi đi làm bằng xe máy điện, thỉnh thoảng công việc cần chở đồ to, nặng mới dùng ôtô.

>> Không dám đi du lịch cho đến khi mua được nhà

Chúng tôi cũng mua sắm các vật phẩm cần thiết: như bột giặt, nước rửa chén, những thứ lặt vặt trong nhà... Về tiền đi chơi, chúng tôi chủ yếu tự lái xe, đi bộ ngắm cảnh, chứ không chơi những thứ tốn nhiều tiền, lâu lâu mới ghé quán cà phê một lần. Ngoài ra còn có chi phí khám bệnh, mua thuốc...

Tiền biếu ba mẹ, ông bà, hai vợ chồng tôi không gửi tiền về hàng tháng. Chỉ thỉnh thoảng đến lễ, Tết (không phải tất cả) mới biếu một khoản nhỏ. Mỗi lần về quê, chúng tôi mua quà và thuốc bổ. Ba mẹ chồng tôi vẫn đi làm, còn ba mẹ tôi thì có lương hưu, nên không quá khó khăn về mặt tài chính.

Phần chi tiêu riêng của cá nhân: tôi gửi tiết kiệm định kỳ hàng tháng 6 triệu đồng (gửi gói một năm); tiền tiết kiệm dành cho ba mẹ 2 triệu đồng (tôi cứ gom dần để vậy trong một tài khoản riêng, lỡ ba mẹ có chuyện gì cần gấp thì lấy ra dùng); tiền bảo hiểm nhân thọ 2 triệu đồng (tôi đóng bảo hiểm theo năm, tuy nhiên mỗi tháng đều trích ra để riêng, gom lại cho đến ngày đến hạn đóng).

Như vậy, tổng tiền cố định hàng tháng theo kế hoạch như trên của tôi là 44 triệu đồng. Tức là tôi còn lại khoảng 6 triệu đồng. Số tiền này, tôi dùng để chi tiêu cá nhân, còn dư bao nhiêu cứ để tự do trong tài khoản ngân hàng, coi như khoản tiền tiết kiệm thêm không cố định.

Chi tiêu cá nhân của tôi như sau: tôi ít mua sắm (so với những người xung quanh). Quần áo và giày dép mỗi năm tôi mua khoảng 1-2 lần vào những dịp giảm giá (200.000 - 800.000 mỗi món). Mỹ phẩm tôi chỉ dùng hãng bình dân của Hàn (vài lọ dưỡng da dùng cả năm trời, hai cây son dùng hoài không hết...). Hằng ngày, tôi chỉ trang điểm nhẹ nhàng để đi làm nên mỹ phẩm trang điểm cũng chỉ lắt nhắt vài món (kem chống nắng, cushion, kẻ mày...).

Tôi không chi tiền uốn, duỗi, nhuộm tóc ngoài tiệm vì khiến tóc bị hư tổn và cảm thấy phung phí. Tôi thích tóc dài nên một năm mới đi cắt một lần. Tóc mái tôi tự cắt ở nhà. Tôi tự tạo kiểu tóc mái hàng ngày bằng lô cuốn và máy kẹp. Tóc dài phía sau thì chỉ hôm nào đi đâu đặc biệt tôi mới dùng máy uốn tạo kiểu.

Mình thường mang cơm trưa đi làm mỗi ngày. Ngày nào không có thời gian chuẩn bị, tôi sẽ ăn mì gói. Một tuần, sẽ có một bữa trưa tôi đặt đồ ăn chung với đồng nghiệp, tiền này công ty trả. Ngoài ra tôi cũng không tiêu tiền vào trà sữa, đồ ăn vặt...

Tôi lấy chồng xa mới được hơn một năm, hầu như không có bạn bè gì ở đây, nên cũng không có chi phí đi ăn uống với bạn. Tôi cũng đi xe buýt đi làm, trời mát thì đi xe đạp. Thế nên, mỗi năm chỉ có 1-2 lần phát sinh chi phí như mua xe đạp, mua máy đọc sách, đi nha khoa..., thỉnh thoảng mua mỹ phẩm cho mẹ, gửi ít tiền nếu ba mẹ đi du lịch...

Với những chi tiêu cá nhân mình kể trên, mỗi tháng tôi không dùng hết 6 triệu đồng đó mà trung bình sẽ dư được khoảng 2-4 triệu để tiết kiệm thêm. Tiết kiệm chung 20 triệu, cộng thêm tiết kiệm riêng 6 triệu và khoản dư 2-4 triệu, tức là trung bình mỗi tháng tôi tiết kiệm được 28-30 triệu đồng (50-60% thu nhập của tôi).

Trên đây là câu chuyện quản lý tài chính của bản thân tôi, hy vọng sẽ góp thêm một gợi ý về chi tiêu và tiết kiệm cho các bạn.

B