Hàng trăm người già ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An bị dụ mua hàng với giá “trên trời” bằng chiêu mời dự hội thảo, tặng quà.

Giá hộp dầu thông đỏ 2,5 triệu đồng

Bà N.T.H.V. (thôn Hoàng Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) kể, cách đây vài tháng, chi hội người cao tuổi ở thôn thông báo có công ty tổ chức tour du lịch miễn phí cho các hội viên, gồm thăm Lăng Bác, sau đó tới biển nhân tạo trong một khu đô thị rồi vòng về làng gốm Bát Tràng. 

Thế nhưng, khi đi hết 2 điểm tham quan đầu, đoàn được mời đi ăn và sau đó tới một điểm tổ chức hội thảo. Tại đây, nhóm người trong ban tổ chức giới thiệu là đơn vị nhận hợp đồng quảng cáo trực tiếp cho 12 nhãn hàng thay vì gián tiếp quảng cáo trên ti vi. Nhóm người này tặng rất nhiều thuốc ho, giá 200.000 đồng. Sau đó, họ mang ra 3 lọ yến sào, báo giá 2,9 triệu đồng.

Bà kể: “Họ nói ai có 2,5 triệu đồng thì mang lên đặt cọc, họ sẽ trả lại tiền sau khi chụp ảnh quảng cáo. Lúc đó, có 3 người xung phong làm theo hướng dẫn, được tặng yến và trả lại tiền. Nhóm người trên tiếp tục giới thiệu sữa (900.000 đồng/hộp), dầu cá (250.000 đồng/hộp), đông trùng hạ thảo (400.000 đồng/hộp) và cho đặt cọc, chụp ảnh, nhận quà, hoàn tiền như với yến sào”.

Lừa người già bằng chiêu mời dự hội thảo, du lịch  第1张 Hàng trăm người lớn tuổi ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An dự buổi hội thảo bán hàng hôm 15/9 - Ảnh: Hoàng Hùng

Sau khi bán tiếp 23 hộp sữa, 23 hộp đông trùng hạ thảo và thu tiền, nhóm này nói sẽ trả tiền ở điểm du lịch tiếp theo rồi chuyển qua giới thiệu tinh dầu thông đỏ có giá 2,5 triệu đồng/lọ cũng với hình thức bán mua tương tự. Thấy nhiều người được hoàn tiền và nhận quà miễn phí, một số người cao tuổi trong đoàn liền tin tưởng đặt cọc, chụp hình, người không mang đủ tiền cũng cố mượn nhau để đặt cọc. Nhưng lần này, không ai được trả tiền mà chỉ được tặng 1 lọ tinh dầu thông đỏ, được giải thích là quà tặng có giá trị tương đương (2,5 triệu đồng/lọ) đúng như đã cam kết. 

Chỉ vài phút sau khi bán xong tinh dầu thông đỏ, nhóm người này trốn đi rất nhanh, không ai biết. Tới lúc này, các cụ trong đoàn đã đặt cọc tiền mua sữa, đông trùng hạ thảo, yến sào đều không được hoàn tiền. Khi bị các cụ truy vấn, tài xế nói chỉ chạy theo hợp đồng chứ không biết những người kia là ai. 

Theo bà V., bà đã từng đọc về chiêu lừa tương tự và từng tham gia vài hội thảo nhưng chưa bao giờ bỏ tiền ra mua hàng hay đặt cọc nhưng lần này, bà “mắc bẫy” do nhóm lừa trên có các chiêu trò quá tinh vi. Việc liên tiếp được hoàn lại tiền trước đó đã khiến người tham gia bị mất cảnh giác. Nhóm lừa đảo còn bày ra trò tặng 2 hộp thuốc ho trị giá 500.000 đồng cho người nào cho người khác trong đoàn mượn tiền để đặt cọc. Không khí đám đông khiến người tham gia bị cuốn theo như bị thôi miên, khó kiểm soát. Bà đã bỏ 900.000 đồng đặt cọc sữa nhưng không nhận được tiền. Hàng xóm của bà mất tới 4 triệu đồng. 

Khoảng 1 năm trước, cũng có công ty mời Hội Người cao tuổi xã Tản Lĩnh đi du lịch tỉnh Hòa Bình miễn phí. Khi tới đầu tỉnh, tài xế thông báo đường bị tắc nên các cụ phải ngồi trên xe đợi. Sau một hồi đợi, tài xế đưa đoàn vào một công ty cũ, không có bảng hiệu. Các cụ được giới thiệu mua sữa với giá ưu đãi, mua càng nhiều thì giá càng rẻ. Một số cụ đã bỏ ra 3-4 triệu đồng để mua sữa không rõ nguồn gốc, chất lượng. 

Giá “chặt chém”, vẫn tranh nhau mua 

Giữa tháng 9/2023, một nhóm người đã đến thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An phát thư mời người già trong xã dự hội thảo giới thiệu sản phẩm. Để dụ dỗ, nhóm người này thông báo tặng quà cho bất kỳ ai đến dự, đồng thời tặng thêm quà nếu rủ thêm được 1 người khác tới. 

Đầu hội thảo, nhóm người này rao bán các mặt hàng có giá thấp như đũa, muỗng, chảo và trả tiền lại cho người mua với lý do đó là quà tặng tri ân khách hàng. Thấy vậy, nhiều người tranh nhau mua hàng, xô đẩy nhau, thậm chí có người ngất xỉu. Khi người kéo đến hội thảo càng lúc càng đông, nhóm người này bắt đầu bán các mặt hàng có giá cao, như nồi áp suất 5,1 triệu đồng, nồi lẩu 2,1 triệu đồng, bếp nướng 11 triệu đồng, chảo 1,1 triệu đồng và thông báo số lượng có hạn. 

Lừa người già bằng chiêu mời dự hội thảo, du lịch  第2张 Thỉnh thoảng, bà N.T.L. - 75 tuổi, ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - lại mang chiếc bếp từ ra lau chùi lại vì tiếc của. Bà đã bị lừa mua chiếc bếp này cùng 3 chiếc nồi kém chất lượng với giá 3 triệu đồng - Ảnh: Phan Ngọc

Có hơn 350 người đăng ký mua các sản phẩm này, trung bình mỗi người từ 5-22 triệu đồng. Nhóm người này thông báo chỉ có 200 suất, những người đăng ký sau sẽ không “có phần”. Do sợ không nằm trong danh sách, nhiều người còn đút lót cho nhân viên nhóm trên 200.000-300.000 đồng để được ưu tiên.

Ông T.C.Đ. - từng dự hội thảo trên - kể, trong quá trình bán hàng, nhóm người này cắt cử rất nhiều người giám sát, yêu cầu người dân không được quay phim, chụp hình. Khi đã “ôm” được khoản tiền lớn, nhóm người này nhắc nhở mọi người kiểm tra lại các mặt hàng đã mua để đánh lạc hướng chú ý rồi nhảy lên xe đã chờ sẵn, biến mất.

Anh Hoàng Đình Hùng (huyện Tân Kỳ) cho biết, đây không phải lần đầu, người dân trong huyện này bị lừa mua hàng giá cao: “Khi thấy các cụ đi dự hội thảo bán hàng, con cháu đã khuyên can nhưng các cụ không nghe, nói rằng mình chỉ ra nhận quà rồi về, có mua đâu mà sợ bị lừa. Khi một số người đến nơi tổ chức hội thảo can ngăn, nhiều cụ còn phản ứng, giận dỗi, thậm chí bắt con cháu mình xin lỗi đơn vị tổ chức hội thảo”.

Theo ông Nguyễn Công Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ - chính quyền đã phát tờ rơi, phát loa cảnh báo người dân về hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá cả không rõ ràng. “Chúng tôi cũng giao cho các chi hội người cao tuổi cắt cử người tới nơi tổ chức hội thảo để kịp thời can ngăn hội viên mua hàng giá cao, nhưng nhiều người không nghe bởi họ thấy mối lợi do các nhóm bán hàng giăng ra” - ông Nguyễn Công Trung nói.

Ông Nguyễn Đình Chi - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An - cho biết, chiêu trò tặng quà để dụ dỗ người cao tuổi mua hàng là không mới, nhưng rất khó xử lý do chúng diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Đến nay, đội chỉ xử phạt được 1 công ty 1,5 triệu đồng về hành vi bán hàng không niêm yết giá.

“Để ngăn chặn tình trạng này, vai trò chính vẫn là chính quyền địa phương. Chúng tôi đã kiến nghị các địa phương kiểm soát vấn đề lưu trú cũng như nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân báo tin cho công an xã, UBND xã hoặc cho chúng tôi nếu thấy có dấu hiệu bán hàng lừa đảo” - ông Nguyễn Đình Chi nói. 

Tự xưng “học trò cũ thành đạt”, lừa cựu giáo chức 

Trong tháng 9/2023, một nhóm người xưng là “học trò cũ thành đạt”, liên hệ với lãnh đạo hội cựu giáo chức ở các huyện trong tỉnh Nghệ An để tổ chức tặng quà tri ân các thầy cô. Sau khi tặng một số suất quà nhỏ, nhóm người này dùng lời lẽ ngon ngọt, đánh vào tâm lý thích khuyến mãi, giá rẻ để thuyết phục các nhà giáo hưu trí mua thực phẩm chức năng với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường, thấp nhất cũng 2,5 triệu đồng/sản phẩm.

Ông Trần Đình Truyền - Chủ tịch UBND xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - cho biết: “Khi phát hiện nhóm này về tặng quà rồi bán hàng trong xã, chúng tôi đã báo công an huyện đến làm việc. Qua kiểm tra, các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc. Nhưng do chưa có quy định xử lý cụ thể nên công an chỉ thông báo cho những người đã mua hàng đến trả hàng, nhận lại tiền”.

Ông Phạm Huy Đức - Chánh văn phòng Hội Cựu giáo chức tỉnh Nghệ An - cho hay, hội vừa có thư gửi lãnh đạo hội cựu giáo chức các huyện, thành phố, thị xã, thông báo về chiêu thức lừa bán hàng giá cao thông qua các chương trình tặng quà tri ân. Trước sự kiện ở xã Thanh Nho, cũng có 2 đoàn từ TP Hà Nội và TPHCM gọi điện cho hội xin tổ chức lễ vinh danh, tri ân thầy cô nhưng ông từ chối và nói thẳng: “Các anh tri ân thầy cô thì về trường cũ của mình chứ sao lại tri ân nơi khác”. Theo ông, trò lừa đảo này đã có từ năm 2019. 

Phan Ngọc - Huyền Anh