Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân)  tại Tọa đàm “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với các đơn vị tổ chức sáng 25/9.

Những giải pháp để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số  第1张 PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân). Ảnh: Thanh Hải

Những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế số 

Có thể khẳng định thành phố Hà Nội đã thu được nhiều kết quả khả quan về  phát triển một số mô hình kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… 

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đóng góp từ kinh tế số của Hà Nội vào GDP của thành phố là 23,5%, cao hơn so với TP Hồ Chí Minh khoảng gần 10% và so với cả nước là 9,7%. Đây là minh chứng cho thấy đóng góp của kinh tế số của Hà Nội vào nền kinh tế Việt Nam vói tỷ trọng khá lớn.

Còn theo báo cáo về kinh tế số năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số phát triển kinh tế số của Hà Nội là 17,5%, trong đó chỉ số kinh số lõi là 11,9% cao hơn chỉ số kinh số lõi của TP Hồ Chí Minh là 8,6%. Như vậy, xét về kinh tế số thì Hà Nội đã triển khai khá tốt. Tuy nhiên, đóng góp của kinh tế số Hà Nội chỉ đứng thứ 6/63 tỉnh, thành của cả nước.

Những giải pháp để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số  第2张 Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh minh họa

Tác động kinh tế số làm nâng cao tỷ trọng của các ngành công nghệ cao. Đối với kinh tế Hà Nôi, tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm đến trên 60%, trong đó, đóng góp chủ yếu từ các ngành ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, Hà Nội đã phát triển mạnh các ngành kinh tế số, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn, lao động… Với tốc độ phát triển kinh tế số như trên, tốc độ tăng năng suất lao động của Hà Nội cũng cao hơn (trên 5,3%). Kết quả này đến từ hiệu quả của việc tăng năng suất lao động của nội ngành các ngành công nghệ cao. Điều này cũng cho thấy dự dịch chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Về kinh tế ban đêm, Hà Nội là địa phương chủ động phát triển các ngành trong kinh tế ban đêm. Có thể thấy ngoài phố đi bộ theo mô hình truyền thống, Hà Nội đã bắt đầu phát triển ra khu vực phố ẩm thực Ngũ Xã, hồ Trần Nhân Tông và mở rộng ra các phố đi bộ khác như: Hồ Ngọc Khánh, phố đi bộ Trịnh Công Sơn...

Những giải pháp để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số  第3张 Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được thắp sáng lung linh về đêm. Ảnh minh họa

Hà Nội đã làm rất nhiều sản phẩm kinh tế đêm như sự kiện: Đêm Hà Nội, tour Giải mã Hoàng Thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò. Với những dịch vụ như vậy sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch và đẩy mạnh chi tiêu cho du lịch, góp phần tăng thu nhập cho du lịch Thủ đô, cũng như tăng th nhập cho ngành thương mại - dịch vụ Hà Nội nói chung. 

Về kinh tế chia sẻ của Hà Nội, dựa trên nền tảng là kinh tế số, các dịch vụ của kinh tế chia sẻ Hà Nội đang làm khá là tốt.

Đẩy mạnh cải cách hành chính 

Ngày 13/6/2023, UBND Hà Nội phê duyệt Đề án “Phát triển Kinh tế đô thị thành phố Hà Nội” theo Quyết định số 3195/QĐ-UBND nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 17/3/2021, của Thành ủy Hà Nội, về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 17/3/2021, của Thành ủy Hà Nội, về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Trước hết, để triển khai được các quan điểm, định hướng của lãnh đạo TP Hà Nội đi vào thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần phải có các đề án cũng như các kế hoạch triển khai cụ thể có các chương trình hành động cụ thể để chuyển từ hành động đạt được các mục tiêu, tầm nhìn mong muốn.

Những giải pháp để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số  第4张 Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm. Ảnh Thanh Hải

Thứ nhất là nâng cao vấn đề thể chế quản trị địa phương của Thủ đô Hà Nội cũng như các hệ thống pháp lý, các quy định chính sách để thực hiện điều đó. Đặc biệt, Hà Nội cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn về lĩnh vực quản lý trực tiếp kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, xây dựng nền hành chính công thông minh, tinh gọn, kỷ cương và liêm chính cũng như kiến tạo để tinh giản hoá bộ máy quản lý.

Một vấn đề nữa Hà Nội cần quan tâm đó là chất lượng về thể chế quản trị, coi chất lượng thể chế quản trị đó là yếu tố đầu tiên. Chẳng hạn như, liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, kỹ thuật hạ tầng số. Mặc dù hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Hà Nội đã được cải thiện, nâng cao nhưng sự liên kết còn lỏng lẻo.

"Hà Nội xây dựng nhiều dự án khu đô thị lớn nhưng hạ tầng trong các khu đô thị thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và vẫn thiếu sự kết nối giữa các khu đô thị với nhau. Đó là nguyên nhân khiến cho tình trạng ngập úng xảy ra khắp nơi (bên ngoài các khu đô thị). Do đó, Hà Nội cần sự kết nối đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật một cách bài bản, đồng bộ hơn" - PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn dẫn chứng.

Một giải pháp nữa là Hà Nội cần đẩy mạnh các chuyển đổi số trong doanh nghiệp, song song với việc xây dựng các thông tin về số và chuyển đổi số. Khi xây dựng được trung tâm thông tin và dữ liệu về chuyển đổi số, chắc chắn thành phố  sẽ quản lý tốt lĩnh vực chuyển đổi số trên một nền tảng rộng hơn.

Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác, thành phố cần quan tâm như: phát triển nguồn nhân lực hoàn thiện các cơ chế chính sách…

3 mô hình tăng trưởng kinh tế mới trong tương lai

Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế số, PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, Hà Nội cần xác định rõ định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong giai đoạn 2025 - 2030.  Đó là 3 mô hình tăng trưởng kinh tế, cụ thể như sau: 

Thứ nhất, mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát triển xanh, thân thiện với môi trường. 

Tăng trưởng cao nhưng đi đôi với nó là phải nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bởi thực tế, mô hình tăng trưởng cũ vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên (đất đai), công nghệ gia công và gia tăng vốn đầu tư đã làm cho chất lượng tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế của nền kinh tế thấp.

Thứ hai, mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, lợi thế cạnh tranh bậc cao.

Thứ ba, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững và tuần hoàn.

Với mô hình này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Việc chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích quan trọng.

Trước hết, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả. Đồng thời, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm.

Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, mô hình này tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, chuyển đổi này còn mở ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới, tạo ra việc làm và thúc đẩy sáng tạo.