Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề xăng dầu đối với thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, việc kinh doanh mặt hàng này cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung.
Tháng 5 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra đối với Cửa hàng Hải Hà Store có địa chỉ tại số 28, đường Nguyễn Du, phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên.
Tại thời điểm kiểm tra cửa hàng xuất trình được các hóa đơn liên quan đến số hàng hóa đang bày bán tại cửa hàng chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa hợp pháp theo quy định.
Tuy nhiên, qua đối chiếu hóa đơn Đoàn kiểm tra phát hiện có gần 1.000 chiếc ốp điện thoại các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, không có nhãn hàng hóa, không xác định được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, tháng 2, Đội QLTT số 2 đã kiểm tra hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo hình thức đại lý đối với Doanh nghiệp tư nhân 8-3, có địa chỉ ở xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Doanh nghiệp này có 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa bàn huyện Vĩnh Tường, được Sở Công Thương tỉnh cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu và giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện doanh nghiệp vẫn hoạt động khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cấp đã hết hiệu lực; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 hành vi vi phạm nói trên.
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ việc do lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra và xử lý trong nửa đầu năm nay.
Lực lượng QLTT tỉnh trong một hoạt động kiểm traKiểm tra tổng số 346 vụ; phát hiện, xử lý 104 vụ
Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục đã kiểm tra tổng số 346 vụ, trong đó, 298 vụ kiểm tra định kỳ, 48 vụ kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 104 vụ với 112 hành vi, tăng gần 270% về số vụ so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính và nộp ngân sách Nhà nước gần 1,2 tỷ, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa buộc tiêu huỷ hơn 284 triệu đồng.
Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh đã triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề xăng dầu đối với thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, việc kinh doanh mặt hàng này cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng và sản xuất cho người dân và doanh nghiệp. Qua kiểm tra 30 vụ đã phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và nộp ngân sách Nhà nước lên tới gần 285 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm bao gồm: kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực; không đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu với cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định; ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước…
Qua hoạt động kiểm tra, lực lượng QLTT đã chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã kiểm tra 44 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý 9 vụ với tổng số phạt tiền vi phạm hơn 40 triệu đồng trong kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng khí đốt hóa lỏng, thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm, giày dép... Đồng thời, chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 198 vụ, tổng số tiền xử phạt là 44 triệu đồng, trị giá hàng hoá buộc tiêu hủy là hơn 34 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh vẫn có diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như: Xé lẻ hàng nhập lậu, vận chuyển bằng xe khách, xe tải nhỏ; cất giấu hàng hóa nhập lậu lẫn với hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, quay vòng hóa đơn, chứng từ để vận chuyển hàng nhập lậu; lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,...
Tỉnh Vĩnh Phúc nhìn từ trên caoThêm vào đó, các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường cao tốc nên việc kiểm tra, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Khắc phục khó khăn, phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng, nắm chắc tình hình để phát hiện các thủ đoạn, phương thức gian lận trong kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không bảo đảm chất lượng. Đẩy mạnh quản lý, kiểm soát kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Tổng cục QLTT, Ban chỉ đạo 389 tỉnh trong chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định cung cầu thị trường và an sinh xã hội.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhận thức về hàng giả, hàng nhái,… phổ biến pháp luật, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận trong kinh doanh, tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm để kịp thời xử lý.
Đăng thảo luận