1.001 mẹo loại độc tố… nhưng vẫn sai cách

Rửa rau trước khi chế biến là một bước quan trọng để đảm bảo ATTP và sức khỏe của gia đình. Thời gian qua, trên mạng xã hội chia sẻ mẹo rửa rau bằng chanh và giấm để làm sạch thuốc BVTV. Theo cách này, rau sẽ được ngâm trong nước có giấm hoặc chanh, được cho là sẽ tạo ra phản ứng trung hòa các độc tố hóa học trong rau.

Phân tích về việc sử dụng chanh và giấm để loại bỏ độc tố trong rau, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, việc sử dụng chanh và giấm để ngâm rửa rau củ quả ít phổ biến hơn. Mục đích chính của việc ngâm, rửa rau là làm sạch bụi bẩn và vi khuẩn, khó có thể loại bỏ hoàn toàn dư lượng thuốc BVTV nếu có.

Chanh và giấm hiếm khi được dùng để ngâm rửa rau. Giấm với thành phần chính là axit axetic, nếu sử dụng đúng lượng thì không gây hại. Tuy nhiên, việc pha giấm đạt tỷ lệ lý tưởng để ngâm rau củ không đơn giản.

Rau, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật: loại bớt độc tố bằng cách nào?  第1张 Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP tại Hà Nội.

Theo bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, việc dùng chanh và giấm để ngâm rau củ nhằm loại bỏ chất bảo quản không mang lại nhiều lợi ích. Axit trong chanh và giấm khó có thể hòa tan các hợp chất hữu cơ (thuốc BVTV) có trong rau củ quả. Để phân giải hết độc tố của chất BVTV cần có thời gian nhất định. Thời gian an toàn sau khi phun thuốc trung bình từ 15 - 20 ngày trước khi thu hoạch.

Từ trước đến nay, các bà nội trợ vẫn tin rằng việc dùng nước pha với muối loãng để ngâm, rửa rau, củ, quả sẽ giúp rửa trôi được các chất độc từ thuốc BVTV, loại bỏ trứng giun sán, diệt vi khuẩn,... Tuy nhiên, nước muối loãng không có khả năng này như người dân lầm tưởng.

Đề cập đến vấn đề này, TS Từ Ngữ - Hội dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, trong môi trường nước muối sinh lý, các loại vi khuẩn bị ức chế phát triển chứ không thể tiêu diệt chúng. Khi vớt rau ra khỏi môi trường nước muối, vi khuẩn sẽ phát triển và sinh sôi trở lại.

“Hiện nay, chưa có một dung dịch nào có khả năng loại trừ hoàn toàn thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trên các loại rau, củ và các thực phẩm khác. Như vậy, rửa rau bằng nước muối không hề giúp sạch vi khuẩn, thuốc trừ sâu mà còn làm hóa chất, vi khuẩn thẩm thấu ngược lại vào bên trong rau” - TS Từ Ngữ nói thêm.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tình trạng rau, củ, quả còn tồn dư thuốc BVTV là do trong quá trình canh tác  người dân sử dụng hóa chất.

Tuy nhiên, sau khi phun, người sản xuất không tuân thủ thời gian cách ly theo quy định. Vì thế, thuốc BVTV còn tồn tại trong rau, củ, quả. Điều này dẫn đến tình trạng rau, củ dù mang đi tiêu thụ nhưng hàm lượng chất BVTV cao. Do đó, cách tốt nhất khi mua rau, củ, quả về, người dân luôn phải tự xử lý nhằm loại bớt chất BVTV.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, với rau, củ, quả, cách duy nhất để làm sạch là rửa. Nguyên tắc là các bà nội trợ phải rửa rau, củ, quả nhiều nước, không rửa sơ sơ dù không có bùn, đất. Rửa lâu, rửa bằng tay, lưu ý rửa kỹ những khe cuống lá… để tách chất bẩn, đất cát và thuốc BVTV nếu có.

Rửa rau, quả đúng cách

Theo Cục ATTP, Bộ Y tế, trước khi sử dụng, việc rửa rau, quả là khâu quan trọng trong quá trình chế biến và trước khi ăn. Trong xử lý làm sạch rau xanh, một số người dùng nước muối, pha thuốc tím hoặc các loại hóa chất rửa rau an toàn được quảng cáo trên thị trường…

Nếu sử dụng phương pháp này, rau xanh hoặc quả tươi chỉ được làm sạch một phần, chủ yếu là loại bỏ một số chất bẩn, hóa chất, vi khuẩn… Còn ký sinh trùng gây bệnh thì rất khó làm sạch. Nếu dùng nước pha với muối, thuốc tím hoặc hóa chất tẩy sạch có nồng độ cao thì rau xanh sau khi rửa sẽ bị bầm dập, bớt xanh tươi, mùi vị có thể bị thay đổi.

Rau, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật: loại bớt độc tố bằng cách nào?  第2张 Cách duy nhất làm sạch rau, củ, quả là rửa rau xanh có lá to, quả chín dưới vòi nước sạch chảy mạnh.

Vì vậy, cách rửa truyền thống, đơn giản nhưng bảo đảm ATTP nhất là rửa rau xanh có lá to dưới vòi nước sạch chảy mạnh, cẩn thận bóc tách và rửa từng cọng rau, từng lá rau, rửa bề mặt bên này rồi đến bề mặt bên kia một cách nhẹ nhàng, không nóng vội. Các loại rau lá nhỏ phải rửa trong chậu với nước sạch nhiều lần. Quả tươi sau khi rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, trước khi ăn nên gọt vỏ.

Cục ATTP lưu ý, người dân phải bảo đảm rửa rau dưới vòi nước chảy từ 3 lần trở lên, sau đó tùy vào từng loại rau áp dụng khác nhau: Nếu là cọng rau lá to như cải xanh, xà lách… thì phải bẻ ra từng nhánh, từng lá, để dưới vòi nước chảy mạnh một lúc lâu cho sạch hết ký sinh trùng nếu có. Lật tiếp qua bề mặt còn lại rửa tương tự như vậy, sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước.

Nếu là rau cọng nhỏ như cải xoong, rau muống... để vào thau rồi đảo qua, đảo lại nhiều lần, ít nhất cũng phải thay 3 lần nước như vậy. Cuối cùng nếu cần thiết mới ngâm nước muối loãng hoặc sục trong nước ozon. Để bảo đảm ATTP trong tình hình hiện nay, các nhà hàng, quán ăn lớn có điều kiện nên rửa rau ăn sống bằng nuớc ozon với nồng độ cao.

Đối với các gia đình  khi mua rau về, dù là rau sạch bán ở các siêu thị vẫn phải rửa thật sạch, tốt nhất là rửa từng lá rau dưới vòi nước chảy nhiều lần để vi khuẩn, trứng ký sinh trùng và hoá chất còn bám trên rau trôi đi trước khi sử dụng. “Muốn tránh nhiễm ký sinh trùng, người dân không nên ăn rau sống và các món gỏi. Dù đã xử lý cẩn thận nhưng muốn an toàn, các gia đình vẫn nên đun nấu chín, không ăn rau sống” – Cục ATTP khuyến cáo.

 

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm tại cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo điều kiện ATTP; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm có tem/mã truy xuất nguồn gốc điện tử. Sản phẩm của các đơn vị đã tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm của TP. Thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi; thực hiện tốt “10 nguyên tắc vàng để chế biến thực phẩm an toàn”; “5 chìa khóa để thực phẩm an toàn”