Đấu giá đất huyện Hoài Đức kéo dài xuyên đêm
Như Báo Dân Việt đã đưa tin, phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức kéo dài hơn 19 tiếng, từ 9 giờ sáng 19/8 đến 4 giờ 30 phút rạng sáng 20/8 mới kết thúc. Trải qua 9 vòng đấu giá, 19 lô đất ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên mới tìm được chủ sở hữu.
Giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2 đối với LK03-12 là thửa ở góc, có 3 mặt tiền, rộng hơn 113 m2; tổng giá trị lên đến hơn 15 tỷ đồng. So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần.
Nhiều người thức xuyên đêm tại phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức ngày 19/8. Ảnh: Lê Quân
Ba lô đất có giá trúng đấu giá cao thứ 2 là LK03-6, LK03-7 (cùng có diện tích 91,67 m2) và LK04-6 lên đến 127,3 triệu đồng/m2 (rộng 115,95 m2). Giá trị 2 lô LK03-6 và LK03-7 là 11,6 tỷ đồng và lô LK04-6 là 14,7 tỷ đồng.
14 lô còn lại có giá trúng đấu giá từ 97,3 - 121,3 triệu đồng/m2. Có 2 lô trúng có giá trúng đấu giá thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 12,5 lần giá khởi điểm.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, đến trước ngày diễn ra phiên đấu giá 19 lô đất có diện tích từ 74 - 118 m2 ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên có đến hơn 1000 bộ hồ sơ của khoảng 500 người nộp tham gia đấu giá. Giá khởi điểm thấp nhất từ 7,3 triệu đồng/m2, bước giá tối thiểu là 6 triệu đồng/m2.
Trước đó, ngày 28/7/2024, huyện Đan Phượng đã tổ chức phiên đấu giá 85 thửa đất với 1.252 bộ hồ sơ nộp vào tham gia đấu giá. Kết quả, có lô đất tại xã Hạ Mỗ được trả giá lên đến 99,2 triệu đồng/m2 khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Tới ngày 10/8, phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai còn nóng hơn tại huyện Đan Phượng khi có tới gần 5.000 bộ hồ sơ với khoảng 1.600 người nộp vào tham gia trả giá. Kết thúc phiên đấu giá, lô đất góc có giá trúng cao nhất là 100,5 triệu đồng/m2.
Những kết quả này cho thấy, sau mỗi phiên đấu giá đất đều ghi nhận mức giá trúng của phiên mới cao hơn phiên cũ, nhiều khu vực tạo ra mặt bằng giá mới. Đáng chú ý, các khu đất đấu giá của các huyện nằm khá gần đường Vành đai 4, vị trí có sức hút rất lớn với nhà đầu tư đất nền trong thời gian qua.
Vị trí đất đấu giá huyện Hoài Đức nằm gần dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Phạm Hưng
Sau phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức, các cơ quan chức năng vào cuộc
Sau khi kết thúc phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức, nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo Dân Việt thông tin về dấu hiệu bất thường đối với mức giá trúng 133,3 triệu đồng đồng.
Ngày 21/8, chỉ 1 ngày sau phiên đấu giá kết thúc, Thủ tướng đã ký ban hành công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Với các trường hợp đấu giá đất có kết quả bất thường, Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và chủ tịch UBND các tỉnh rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Sau phiên đấu giá kết thúc 1 ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: Thái Nguyễn
Đến ngày 22/8, UBND TP.Hà Nội yều cầu kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Hà Nội nêu rõ trên địa bàn thành phố có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, như tại huyện Thanh Oai cao gấp 7 - 8 lần, huyện Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần. Việc trúng giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.
Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian vừa qua phải được đưa ra kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có); báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/8.
Cùng ngày 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cử đoàn kiểm tra đột xuất nắm tình hình và báo cáo về công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại 2 huyện: Thanh Oai, Hoài Đức.
Trong ngày 23/8, Đoàn công tác làm việc tại UBND huyện Thanh Oai và UBND huyện Hoài Đức để nghe báo cáo toàn bộ về các phiên đấu giá đất ở 2 huyện này vào 10/8 và 19/8. Đoàn cũng có thể kiểm tra tại thực địa và làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Huyện Hoài Đức phải dừng đấu giá vào ngày 26/8 và 9/9
Theo kế hoạch, các phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức với tổng số 52 thửa: gồm 20 thửa đất (LK01, LK02) vào ngày 26/8 và cuộc đấu giá ngày 9/9 đối với 32 thửa đất (LK05, LK06). Tuy nhiên, huyện Hoài Đức đã thông báo tạm dừng các phiên đấu giá để thực hiện kiểm tra, rà soát theo công điện của Thủ tướng.
Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, đơn vị được giao tổ chức đấu giá ở Hoài Đức đã ra thông báo về việc dừng phiên đấu giá 52 lô đất giá vào ngày 26/8 và 9/9. Những khách hàng đã mua hồ sơ, đặt cọc tiền để tham gia sẽ được bảo lưu hoặc hoàn trả lại tiền theo đúng quy định. Hiện thời điểm đấu giá lại các lô đất vẫn chưa được công bố.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng mức trúng đấu giá đất ở Thanh Oai và Hoài Đức vừa qua là mức giá không hợp lý.
"Sự bất thường ở đây là giá trúng không phản ánh đúng giá trị thật của bất động sản. Khu vực đất đấu giá lại nằm giữa một vùng đồng không mông quạnh, dân cư thưa thớt, hạ tầng chưa hoàn thiện thì giá lại bị đẩy quá cao. Hệ lụy nhãn tiền từ cơn sốt đất đấu giá là việc thổi giá, tạo mặt bằng giá mới nhằm bán hưởng chênh các lô đất trong cùng khu vực", ông Toản chia sẻ.
Xung quanh khu đất chủ yếu là ruộng đồng, ao hồ, hạ tầng còn thô sơ. Ảnh: Phạm Hưng
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đối tượng chịu hệ lụy từ phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức là thị trường, chính quyền và đặc biệt là người dân có nhu cầu ở thực khu vực này.
"Người dân là đối tượng chịu tác động lớn nhất khi họ phải đối diện với việc phải đi mua nhà đất bị đẩy giá, không đúng với thực tế. Còn với doanh nghiệp đầu tư họ cũng không dám vào khu vực đó bởi vì khi tạo mặt bằng giá mới thì đền bù cũng bị cao hơn, tiền sử dụng đất cao hơn sẽ khiến chi phí đầu tư lớn hơn", ông Đính chia sẻ.
Ông Đính cũng cho rằng, hệ lụy sau phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức còn tác động đến những đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nguyên nhân bởi tiền sử dụng đất tăng, giá thuê mặt bằng cũng sẽ bị đẩy lên và giá thành buộc phải cao hơn sẽ gây ra áp lực tăng giá bán. Điều này tác động xấu tới nền kinh tế - xã hội.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận