Bão Yagi vào đất liền đã khiến hơn 300 người dân nước ta thiệt mạng, trong đó có không ít những trẻ em. Câu chuyện xót xa từ Làng Nủ (tỉnh Lào Cai) nhắc nhớ về việc phổ cập kỹ năng thoát hiểm với trẻ em.

Từ kỷ vật của những đứa trẻ Làng Nủ...  第1张

Cô giáo Hoàng Thị Nự bên kỷ vật còn lại của các học sinh - Ảnh: THÀNH CHUNG

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bão Yagi cùng hoàn lưu bão gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người với ngành giáo dục. Báo cáo từ các địa phương, đến nay có 52 học sinh tử vong, nhiều nhất ở hai tỉnh Lào Cai (35 cháu) và Cao Bằng (6 cháu).

Trong đó, 13 học sinh ở thôn Làng Nủ (Lào Cai) đã vĩnh viễn không còn được đến trường.

Hình ảnh các cô giáo mầm non tại thôn Làng Nủ thu gom, chăm chút, nâng niu những kỷ vật cuối cùng của các học sinh khiến người xem tin tức về bão lũ không khỏi xót xa.

Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh vẫn cứ xảy đến tại một nơi nào đó trên quả đất này. Và những nạn nhân đáng thương nhất là trẻ em.

Nếu không có cơn bão tai quái, khủng khiếp đến ngay sau khai giảng năm học mới, những đứa trẻ thôn Làng Nủ vẫn đang đến trường cùng thầy cô bè bạn, vừa được đón một mùa Tết Trung thu vui tươi...

Nay người ta đang nhắc về các cháu cùng những kỷ vật còn sót lại, để bên cạnh thương xót, người còn sống thêm nhận ra về sức tàn phá của bão lũ. 

Phải có những hành động thiết thực, hiệu quả hơn trong phòng tránh thiên tai để không có thêm những vụ việc đau thương như tại Làng Nủ khi thời tiết cực đoan, bão lũ ngày càng bất thường và khôn lường.

Việt Nam là quốc gia từng phải thường xuyên đối mặt với "giặc" bão lũ. Cha ông lưu truyền, kể lại cho cháu con nghe những bài học từ thuở bé thơ, không năm nào không có mưa bão, nước lũ hoành hành trên mảnh đất này.

Câu chuyện cổ tích "Sơn Tinh, Thủy Tinh" không phải không có lý để giải thích chính xác cho con trẻ về việc đối phó với "giặc" lũ của cha ông.

Từng quả đồi, dãy núi - những lá chắn thiên nhiên hiệu quả đó - che chở cho những bản làng dưới chân đồi. Giờ đây có những quả đồi có thể sạt lở gây thiệt hại nặng nề, thảm khốc về vật chất và con người.

Khi tai họa đến, con người mất hết nhà cửa và tài sản, chỉ có thể cố gắng giảm thiểu thiệt hại và giữ lại mạng sống an toàn. Muốn vậy, cần có cách chủ động ứng phó, phòng tránh phù hợp.

Bên cạnh việc tái thiết đang diễn ra ở vùng bão lũ cần tìm ra nguyên nhân, giải pháp, nghiêm túc rút ra bài học để giảm tối thiểu thiệt hại, nhất là về người, trong tương lai. Thiệt hại lớn về người từ bão từ lần này cho thấy đến từ lũ quét, sạt lở đất.

Thiết nghĩ bên cạnh dự báo thời tiết, thủy văn, nếu việc cảnh báo, phát hiện kịp thời nguy cơ sạt lở đất và giúp nhau chủ động trong sơ tán để có thể sẽ giảm bớt thiệt hại, đau thương.

Câu chuyện những người dân cùng một thôn ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã thoát nguy hiểm từ sạt lở khi kéo nhau lên núi cao dựng lán ở khu đất cao. Tất cả mọi người đều an toàn. Trong số những người may mắn đã có người lường trước nguy hiểm và hướng dẫn nhau thoát hiểm an toàn. Câu chuyện này thật sự là thông tin ấm áp nhất giữa những thông tin thiệt hại sau cơn bão số 3.

Câu chuyện Làng Nủ hôm nay như lời nhắc về việc ứng phó thảm họa thiên tai, cụ thể là lũ quét, sạt lở đồi núi trong bão lũ được cần được trang bị bài bản, giúp người dân biết cánh phòng tránh thiệt hại.

Cần phổ cập kỹ năng thoát hiểm

Những đứa trẻ sống trong vùng nguy cơ khi lớn lên có thể thành những cư dân có kinh nghiệm ứng phó, kỹ năng sống trước thảm họa có thể xảy đến thông qua sự hướng dẫn của người lớn.

Việc hình thành kỹ năng thoát hiểm trong thiên tai là những bài học rất cần được dạy ở trường. Cũng giống như việc phổ cập bơi, kỹ năng thoát hiểm luôn là điều rất quan trọng, cần được lưu tâm hơn. Nhớ về trẻ em Làng Nủ, cần quyết tâm dạy cho trẻ em Việt Nam kỹ năng thoát hiểm một cách bài bản và hiệu quả trong nhà trường.