Năm 14 tuổi, Aya chạy trốn khỏi sự bạo hành của bố mẹ và tìm kiếm khởi đầu mới ở Tokyo, nhưng cô lại tiếp tục rơi vào rắc rối mới.
Việc chuyển qua nhiều trại trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi khiến cảm giác cô độc của Aya ngày càng nặng nề. Cô thèm sự ấm áp và chú ý đến những nam tiếp viên lịch lãm trong các hộp đêm ở Tokyo.
"Tôi có cảm giác mình không đơn độc và vô hình, dù chỉ là một khoảnh khắc", cô gái 24 tuổi, nói. Nhưng kiểu mối quan hệ này chỉ là lớp vỏ bọc và có giá rất cao. Aya lâm vào cảnh nợ nần với số tiền 34.000 USD nhưng vẫn khao khát tình yêu chân thật.
Cách đó 130 km, Nacchan, 24 tuổi, ở tỉnh Ibaraki cũng đang chiến đấu với cô đơn. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô quay về quê nhà để nghiên cứu và làm việc lĩnh vực quy hoạch đô thị ở hội đồng thành phố.
Nacchan chỉ rảnh một đến hai giờ mỗi ngày, gặp khó khăn trong việc duy trì tình bạn. Khi thấy bạn bè khoe các bữa ăn sang trọng trên mạng xã hội, cô càng cảm thấy mình tách biệt.
"Họ có mức thu nhập mà tôi không thể với tới", cô nói. "Thật đau đớn khi nhận ra tôi khác biệt so với họ".
Nacchan chọn trở về quê hương sau khi tốt nghiệp đại học. Ảnh: CNA
Aya và Nacchan đang nằm trong nhóm người trẻ đối mặt với cô đơn ở Nhật Bản. Khảo sát toàn quốc năm 2022 cho thấy có 40,3% nói họ cảm thấy cô đơn, tăng 3,9 điểm phần trăm so với năm 2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực. Mức độ cô đơn cao nhất được ghi nhận ở nhóm tuổi 20-30, cao hơn người già.
Nhật Bản vốn nổi tiếng với văn hóa xã hội khép kín nhưng dường như thay vì nhóm cao tuổi, giới trẻ đang trải qua "hoàng hôn" một mình, chọn sống với cô đơn.
Mitsunori Ishida, giáo sư xã hội học ở Đại học Waseda, lý giải người trẻ thường có xu hướng tránh giao du với người khác nhằm hạn chế sự phức tạp của các tình huống phát sinh hoặc gánh nặng phải giải quyết vấn đề tiềm ẩn.
"Nói chuyện với mọi người hoặc làm điều gì đó với người khác được xem là một rủi ro lớn", ông nói. Cách tiếp cận thận trọng này thậm chí xảy ra với các thành viên trong gia đình.
Đồng thời, tránh làm phiền người khác là chuẩn mực ngầm trong xã hội Nhật. Họ ngại gây cảm giác bất tiện nên thường rút lui khỏi các vòng tròn mối quan hệ xã hội, tránh tham gia sâu hơn.
Người trẻ lớn lên trong thời đại mạng xã hội nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc có nhiều kết nối trực tuyến không thể chuyển thành các mối quan hệ chất lượng. Ishida lưu ý việc dễ dàng chặn người khác hoặc ngắt kết nối đồng nghĩa con người vẫn cảm thấy bất an và cô lập.
Seigo Miyazaki. Ảnh: CNA
Seigo Miyazaki, 34 tuổi, luôn cảm thấy bạn bè sẽ không hiểu được những khó khăn của anh, kể cả khi có cố gắng giải thích.
Mẹ Miyazaki mắc căn bệnh nan y, teo cơ. Chị gái học xa nhà, bố bận rộn công việc, anh chịu trách nhiệm chăm sóc mẹ từ năm 15 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Vì vậy, anh đã hoãn việc học để nâng cao bằng cấp và cắt đứt liên lạc với những người bạn thời thơ ấu, thậm chí là bạn gái khi đó.
"Tôi cảm thấy xấu hổ khi nói chuyện với bạn bè về chuyện gia đình của mình", anh nói.
Ông Hideaki Matsugi, giám đốc Văn phòng chính sách về cô đơn và cô lập Nhật Bản, nói khi người trẻ tốt nghiệp, tự lập và rời xa trường học, họ sẽ có bước ngoặt mới.
Nhật Bản nổi tiếng với giờ làm việc dài, gồm giờ làm thêm. Trong khi thế hệ đồng nghiệp trước có thể giúp đỡ nhau thì lao động trẻ phải thích nghi với môi trường làm việc hậu đại dịch, làm việc từ xa và không tụ tập xã hội.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy khó khăn kinh tế hoặc sự cô lập xã hội liên quan đến đại dịch tác động mạnh hơn đến ý định tự tử.
Trong khi đó, hôn nhân không phải là liều thuốc chữa cô đơn, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhiều phụ nữ Nhật luôn được kỳ vọng sẽ trở thành bà nội trợ sau khi kết hôn, hạn chế các tương tác xã hội bên ngoài.
Nacchan đã từ chối chọn phương án này, dù thấy bạn bè lần lượt kết hôn và ổn định cuộc sống. "Tôi thấy buồn lòng bởi mình quá khác biệt", cô nói.
Ngọc Ngân (Theo CNA)
Đăng thảo luận