Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua “Hiệp ước vì tương lai” nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Để làm được như vậy, Liên Hiệp Quốc phải cải cách, bao gồm cải cách trong cơ quan quyền lực nhất tổ chức này.

Vì tương lai nhân loại, Liên Hiệp Quốc phải cải cách?  第1张

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh vì tương lai, tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York, Mỹ) - Ảnh: REUTERS

Mô tả về "Hiệp ước vì tương lai" được thông qua hôm 22-9 (giờ Mỹ), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres mô tả đây là thỏa thuận mang tính bước ngoặt, là "bước thay đổi tiến tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả, bao trùm và kết nối hơn".

Việc thông qua hiệp ước diễn ra trong khuôn khổ sự kiện mở màn Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 tại New York (Mỹ), nơi quy tụ nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước.

Thỏa thuận trên, được thông qua sau khoảng 9 tháng đàm phán, cũng bao gồm điều khoản phấn đấu hướng tới tương lai phát triển kỹ thuật số bền vững và có trách nhiệm.

Bản thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres đã thúc đẩy thỏa thuận này lâu nay, với hy vọng giải quyết vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh, quản trị toàn cầu, phát triển bền vững, cũng như các giá trị về đa dạng trong xã hội. Thỏa thuận này vạch ra khoảng 56 hành động các nước đã cam kết.

Kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới còn gặp khó, xung đột vũ trang diễn ra căng thẳng từ Trung Đông tới Ukraine và sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ nhạy cảm.

Khủng hoảng toàn cầu đã thúc đẩy Liên Hiệp Quốc phải cải cách và bàn về việc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế.

Ngày 23-9 (giờ Việt Nam), Đài NHK đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã kêu gọi hành động cụ thể nhằm cải tổ Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất Liên Hiệp Quốc.

Trong phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh vì tương lai ở New York (Mỹ), ông Kishida khẳng định "các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực không thể được dung thứ ở bất cứ đâu trên thế giới". Thủ tướng Nhật nhấn mạnh chỉ một trật tự thế giới tự do và cởi mở, dựa trên luật pháp, mới có thể mang tới thịnh vượng và phát triển bền vững.

Về chuyện cải tổ Hội đồng Bảo an, ông Kishida lưu ý đa số các nước ủng hộ việc mở rộng tư cách thành viên hội đồng này cả ở các ghế thường trực lẫn không thường trực.

Từ lâu nay, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng Hội đồng Bảo an có thể thực sự giúp duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới.

Ông Kishida cho rằng phần lớn các nước nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của Hội đồng Bảo an đối với hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như hiểu rõ nhu cầu cấp thiết về việc cải tổ hội đồng này để khôi phục niềm tin vào hiệu quả của nó.